Ngày 25/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với sự tham gia của gần 100 cán bộ quản lý, đại diện các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.
Nỗ lực vượt bậc nhưng vẫn nhiều hạn chế
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội: năm học 2023 - 2024, tổng số thí sinh tham gia dự thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội là 98.642 thì 98.206 em đỗ tốt nghiệp chiếm tỷ lệ 99,56%; tăng 0,27% so với năm học trước, tăng 11 bậc trong xếp loại toàn quốc (từ xếp thứ 27 xuống vị trí 16).
Khối các trường THPT có 198 đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp bằng hoặc cao hơn năm học trước; trong đó 112 đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn (chiếm 47,4%). 149 đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%, tăng so với năm học trước 51 đơn vị. Nhiều đơn vị đã có những cố gắng vượt bậc để đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%: THPT Bắc Lương Sơn (năm 2022 tỷ lệ 97,83%), Trần Đăng Ninh (năm 2022 tỷ lệ 98,97%), THPT Tây Sơn (năm 2022 tỷ lệ 88%), Trần Phú-Ba Vì (năm 2022 tỷ lệ 93,92%), Lê Thành Tông (năm 2022 tỷ lệ 95%).
Song song với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, điểm thi tốt nghiệp cũng có mức tăng đáng kể. Tổng điểm các môn thi tốt nghiệp khối THPT đạt 60,3 điểm, tăng 2,5 điểm so với năm học trước, trong đó có 36 trường điểm trung bình môn thi tốt nghiệp đạt từ 7,0 trở lên. Tính từ năm 2018 đến nay, toàn thành phố có 26 trường THPT luôn đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%.
“Từ những con số trên có thể khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 đã có nhiều thành công cả về số lượng và chất lượng; khoảng cách chất lượng giữa các trường đã thu hẹp đáng kể và chỉ còn duy nhất 1 trường tỷ lệ thi tốt nghiệp dưới 90%", Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, khẳng định nỗ lực của toàn ngành thì con số trên vẫn bộc lộ một số hạn chế như: nhiều đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp hơn mức trung bình thành phố; có những trường không có sự chuyển biến về chất lượng qua từng năm; dậm chân tại chỗ, thậm chí tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm sau thấp hơn năm trước; một số trường điểm tuyển sinh đầu vào cao, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt 100% nhưng vẫn có môn học điểm số của học sinh lại thấp bất thường...
Nhiều sáng kiến, giải pháp tâm huyết
12 ý kiến đóng góp tại hội nghị đã chia sẻ cách thức hiệu quả mà các nhà trường đang thực hiện; đồng thời nhiều kiến nghị, giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp đã được đưa ra.
Đại diện Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên chia sẻ, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm, động viên học sinh, giáo viên để nâng cao tâm huyết của thầy trò với công tác dạy và học. Ngay khi học sinh vừa vào lớp 10, nhà trường sắp xếp lớp có trình độ ngang nhau để tạo ganh đua cho học sinh. Đầu tháng 5, sau kỳ khảo sát học sinh lớp 12 do Sở tổ chức, trường sẽ có thêm một kỳ thi thử cho học sinh lớp 12 để các em biết lực học của mình và để thầy cô đánh giá, đưa ra biện pháp tăng cường kiến thức, kèm cặp thêm học sinh còn hổng kiến thức.
Tăng cường công tác phối hợp, quản lý học sinh; chương trình ôn tập bám sát bộ đề minh họa của Bộ; phân loại học sinh yếu kém để bồi dưỡng miễn phí; nâng cao chất lượng đội ngũ, có nhiều chương trình tập huấn, đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh… là mong muốn của nhà giáo Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Giang, huyện Sóc Sơn.
Nhà giáo Trần Thị Hải Châu - Hiệu trưởng Trường THPT Tự Lập, huyện Mê Linh đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội tập hợp giáo viên cốt cán các trường xây dựng ngân hàng đề ôn tập tốt nghiệp bám sát đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT.
"Căn cứ ngân hàng đề và năng lực học sinh, các nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy, ôn tập. Đồng thời, nhà trường cũng mong Sở cung cấp nhiều hơn câu hỏi, bài tập lên hệ thống học và thi trực tuyến hanoi.study để học sinh tự học, tự đánh giá thường xuyên hơn...", Hiệu trưởng trường THPT Tự Lập kiến nghị.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa Cao Thanh Nga, mỗi năm, nhà trường có 4 kỳ kiểm tra định kỳ với học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 ở tất cả các môn. Những học sinh có điểm dưới 5 sẽ tham gia lớp học đặc biệt, được nhà trường phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy miễn phí vào cuối giờ học buổi chiều...
Nhấn mạnh trách nhiệm của nhà giáo là yếu tố quan trọng thúc đẩy kết quả thi tốt nghiệp THPT, nâng cao chất lượng dạy và học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường cùng nỗ lực nâng cao chất lượng kỳ thi. Tiếp tục rà soát kết quả tốt nghiệp các năm gần đây ở từng lớp, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể; đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống tài liệu ôn tập phù hợp với đối tượng của trường; hướng dẫn học sinh quy trình, cách thức làm bài thi, nhất là kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm.
Bên cạnh đó, các nhà trường chủ động rà soát, sắp xếp chương trình, kế hoạch dạy học học phù hợp điều kiện thực tiễn; thành lập các nhóm chuyên môn giữa các cụm, giữa các trường trong cụm, trong TP để chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu ôn tập; xây dựng và thực hiện kế hoạch ôn tập, kế hoạch kiểm tra, khảo sát học sinh; tổ chức đánh giá đúng thực lực học sinh để tổ chức các lớp ôn tập phù hợp.
Ngoài củng cố kiến thức, các nhà trường cần thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh trong việc đăng ký, lựa chọn môn thi tốt nghiệp; đánh giá đúng năng lực học sinh...
Được biết, năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình ôn tập kiến thức thi tốt nghiệp THPT trên sóng của Đài PTTH Hà Nội để lan tỏa đến học sinh mọi vùng miền trên địa bàn TP, từ đó góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng kỳ thi.