Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Học phí năm học 2011-2012 chưa tăng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bà Nguyễn Ngọc Diệp, trưởng phòng Kế hoạch tài chính, sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đề án học phí mới của Hà Nội chưa được UBNDTP phê duyệt, học kỳ I của năm học mới này, Hà Nội vẫn giữ nguyên mức học phí như năm 2010.

Học phí năm học 2011-2012 của Hà Nội chưa tăng. Không những thế, đầu năm học, học sinh sẽ được giảm 4 khoản thu là phí trông xe, phí bảo vệ, phí an ninh và phí vệ sinh.
 
Bà Nguyễn Ngọc Diệp, trưởng phòng Kế hoạch tài chính, sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đề án học phí mới của Hà Nội chưa được UBNDTP phê duyệt, học kỳ I của năm học mới này, Hà Nội vẫn giữ nguyên mức học phí như năm 2010.
 
Tuy nhiên, bà Diệp cũng cho hay, định mức của các trường của Hà Nội có tăng lên đáng kể. Cụ thể, học sinh THPT là 4 triệu/học sinh/năm, học sinh THCS là 3,6 triệu/học sinh/năm, và học sinh tiểu học là 3 triệu/học sinh /năm học.
 
Với sự tăng định mức này, năm học 2011 – 2012, học sinh Hà Nội sẽ không phải đóng các khoản thu như phí trông xe, phí bảo vệ, phí an ninh và phí vệ sinh.
 
Còn các khoản thu tự nguyện khác như tiền bán trú, tiền ăn, tiền nước uống, tiền trông trẻ ngày thứ 7 (đối với mầm non) thì sẽ vẫn thực hiện theo quy trình như năm 2010.
 
Để các khoản thu đầu năm không bị “loạn” tại các trường, hiện sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng xong bản hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi trong các trường học năm học 2011-2012 đang trình để duyệt.
 
Sẽ rà soát điểm 0 môn sử tại Hà Nội
 
Trong hội nghị tổng kết năm học 2010-2011 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2011-2012, phó chủ tịch UBNDTP Hà Nội bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định trong năm học qua, ngành giáo dục Thủ đô đã đạt được 4 thành tích quan trọng.
 
Tuy nhiên, cũng vẫn còn 3 hạn chế cần khắc phục.
 
Đó là tuyển sinh đầu cấp vẫn còn khiếm khuyết. Theo bà Ngọc, năm học 2009-2010, toàn thành phố có 5 điểm nóng về tuyển sinh, đến năm học vừa qua chỉ còn một điểm nhưng vẫn để lại những bức xúc trong dân. Do đó, đây là trách nhiệm của các quận, phường và trách nhiệm tham mưu của phòng giáo dục. Bà Ngọc yêu cầu ngành cần rút kinh nghiệm về vấn đề này.
 
Hạn chế thứ hai mà ngành giáo dục cần phải khắc phục trong năm học này chính là vấn đề trường chuẩn. Hiện thành phố mới có trên 26% trường đạt chuẩn, trong đó, chỉ tiêu là trên 50%. Khó khăn lớn nhất của thành phố hiện nay là tiêu chí về đất và cơ sở vật chất.
 
Một tồn tại nữa cần khắc phục đó là cần rút ngắn khoảng cách chất lượng đại trà giữa các vùng trong toàn thành phố. Trong đó, cần chú trọng đến việc luân chuyển giáo viên. Đồng thời, ngành cũng cần nâng cao chất lượng toàn diện. “Trong hơn 1000 điểm 0 môn Lịch sử ở kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, Hà Nội có không? Cần phải rà soát vấn đề này” – bà Ngọc chỉ đạo.
 
Đồng thời, vị phó chủ tịch cũng đưa ra một số nhiệm vụ cho ngành giáo dục thủ đô trong năm học này. Trong đó có nhiệm vụ hoàn thành quy hoạch phát triển ngành dự kiến sẽ lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân thành phố trong quý IV năm nay.