Hà Nội: Không để phát sinh điểm nóng về thi hành án dân sự

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 24/12, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2021.

Tới dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long; Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh.
 Toàn cảnh hội nghị. 
Chủ động, tích cực thi hành các vụ án kinh tế, tham nhũng
Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội Vũ Hồng Dương cho biết: Kết quả tổng số thụ lý về việc và về tiền đều tăng so với cùng kỳ. Với lượng việc và tiền xếp thứ hai cả nước; án tham nhũng, kinh tế và tín dụng ngân hàng tập trung nhiều; ít nhất 3 năm liên tiếp do số tiền phải thi hành tăng cao nên chưa hoàn thành chỉ tiêu về tiền được giao. Đến năm 2020, kết quả thi hành án dân sự đã thi hành xong 32.394 vụ việc tương đương 7.194 tỷ đồng trên tổng số có điều kiện thi hành (đạt 80,64% về việc và 38,54% về tiền), hoàn thành và vượt 2 chỉ tiêu được giao. Trong đó, đặc biệt biểu dương 21 Chi cục hoàn thành cả 2 chỉ tiêu về việc và về tiền, điển hình như Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Ba Vì, Mỹ Đức, Sơn Tây…
Làm rõ thêm về kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Trần Quốc Thái cho biết, trong năm 2020, đã giải quyết xong 136 việc/ 1.218 tỷ đồng; còn phải thi hành 32 việc và chưa có điều kiện thi hành 5 việc…Trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lớn, các khoản phải thi hành thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt như án phí, tiền phạt, truy nộp, bồi thường cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân là rất lớn, có vụ hơn 4000 tỷ đồng. Một số vụ “đại án” như vụ Dương Chí Dũng; vụ Hà Văn Thắm; vụ Đinh La Thăng; vụ Phan Văn Anh Vũ…Đây là các vụ án hết sức phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử cho tới giai đoạn thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn TP đã chủ động, tích cực trong việc tổ chức thi hành các vụ án kinh tế, tham nhũng để thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP cũng cho biết, trong quá trình tổ chức thi hành án, giá trị phải thi hành trong các vụ án kinh tế tham nhũng lớn nhưng việc xác minh điều kiện thi hành án gặp khó khăn. Cụ thể, không xác minh được tài sản, điều kiện của người phải thi hành án, không có điều kiện thi hành án, không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản những giá trị rất nhỏ so với khoản phải thi hành. Ví dụ như trường hợp Dương Chí Dũng, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Phúc, trong vụ án Vinalines đa số không còn tài sản, chưa có điều kiện thi hành án.
Tập trung thi hành dứt điểm những vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các cơ quan Thi hành án dân sự TP đạt được trong năm vừa qua. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng thẳng thắn chỉ ra dù hoàn thành 2 chỉ tiêu cơ bản được giao nhưng số việc, tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn cao. Những sai sót trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ mặc dù đã được kịp thời khắc phục nhưng chưa triệt để. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một vài Chi cục chưa được quan tâm. Tổ chức bộ máy chưa kiện toàn, vẫn có công chức vi phạm trong hoạt động thực thi công vụ.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn TP cần tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là những chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án; nỗ lực tổ chức thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ công tác đề ra, nhất là đối với với các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ công tác; gắn việc thực hiện nhiệm vụ với đẩy mạnh việc thực hiện các nội dung cải cách tư pháp, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục đổi mới các mặt công tác, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Nâng cao chất lượng và tiến độ công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ; khắc phục những vi phạm thiếu sót về chuyên môn, nghiệp vụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Cùng với đó, làm tốt vai trò tham mưu, tập trung thi hành dứt điểm những vụ việc phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp, kỹ năng nghiệp vụ, kỷ luật công vụ trong thực thi nhiệm vụ; động viên khen thưởng kịp thời các nhân tố tích cực và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể có sai phạm. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; không để phát sinh điểm nóng về thi hành án.
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các sở, ban, ngành TP nhất là các cơ quan trong khối nội chính tăng cường phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự chặt chẽ hơn nữa. UBND, Ban Chỉ đạo Thi hành án các cấp tăng cường chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, đặc biệt chỉ đạo việc phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 
Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, về phía Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã giao liên ngành giải quyết việc thiếu kho vật chứng tại các chi cục, từng bước tháo gỡ khó khăn về điều kiện làm việc của các cơ quan THADS.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long cũng lưu ý cán bộ thi hành án ngay từ đầu năm phải xác định những việc ưu tiên với các giải pháp cụ thể để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm tới. Đặc biệt, cần nêu cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đơn vị. Tập trung rà soát xác minh phân loại án chính xác. Tiếp tục quan tâm đến vụ việc về kinh tế, tham nhũng, xử lý dứt đểm những vụ kéo dài.  
Trong khi chờ giao chỉ tiêu chính thức của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự TP tạm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các đơn vị như sau:
         - Ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật.
         - Phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 81% về việc và trên 40% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.
         - Thực hiện việc theo dõi thi hành đối với 100% bản án, quyết định đã có quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án.
         - Trả lời đảm bảo chất lượng, đúng trình tự, thủ tục 100% và đúng thời hạn ít nhất 95% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới.
         - Thực hiện tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng quy định của pháp luật; giải quyết xong ít nhất 97% số đơn thư khiếu nại, tố cáo.
          - Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%.