Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật tố tụng hành chính

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/4, tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật chủ trì buổi giám sát của Ủy ban Tư pháp đối với việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND và UBND.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn dự buổi giám sát. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn tiếp và làm việc với đoàn, cùng sự tham gia của đại diện sở, ngành liên quan.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật chủ trì buổi giám sát

Phát biểu trong buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Những năm qua, bám sát chỉ đạo của T.Ư, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp của TP, gồm Viện Kiểm sát Nhân dân TP (KSND) và quận, huyện, thị xã; Tòa án Nhân dân TP (TAND) và quận, huyện, thị xã; Cục Thi hành án (THA) dân sự TP và Chi cục THA dân sự cấp huyện. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương rất quan tâm đầu tư hỗ trợ về địa điểm xây dựng trụ sở làm việc và kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở, trong đó ưu tiên phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí trụ sở làm việc theo quy hoạch, đúng tiêu chuẩn và định mức quy định, hỗ trợ việc giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù GPMB dự án…

Tại đây, đoàn giám sát đã nghe đại diện các cơ quan Sở Tư pháp, TAND, Viện KSND, Cục THA dân sự của TP báo cáo kết quả thực hiện công tác này. Đáng chú ý, đánh giá việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính tại TP, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho biết: Từ 1/10/2014 đến 30/9/2017, TAND hai cấp đã thụ lý 1.203 vụ, trong đó cấp sơ thẩm thụ lý việc khởi kiện đối với quyết định của Chủ tịch UBND và UBND 774 vụ, tổng số có 834 quyết định hành chính của chủ tịch UBND và UBND bị khiếu kiện.

TAND TP đã thụ lý sơ thẩm 390 vụ khởi kiện đối với quyết định hành chính của chủ tịch UBND và UBND. Số quyết định hành chính của chủ tịch, UBND bị khởi kiện ngày càng tăng, với các khiếu kiện hành chính chủ yếu tập trung vào các quyết định của chủ tịch UBND hoặc UBND, không có trường hợp khởi kiện với hành vi hành chính.

Các quyết định bị khởi kiện phần lớn phát sinh từ hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất phục vụ đầu tư các dự án thương mại, kinh tế, an ninh quốc phòng, cấp GCN quyền sử dụng đất… (chiếm trên 80%).

Trong 3 năm, Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 499/774 vụ khởi kiện đối với quyết định của chủ tịch, UBND, trong đó chủ yếu đã bác yêu cầu của người khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án do đương sự rút đơn (sau khi đối thoại); số quyết định bị hủy chỉ chiếm 5,8%, cho thấy việc ban hành các quyết định hành chính của chủ tịch, UBND ban hành cơ bản đúng luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, các cơ quan tiến hành tố tụng tại TP đang gặp một số khó khăn do quy định của Luật Tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó, về xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, Khoản 1 Điều 3 của Luật năm 2015 có đưa ra khái niệm về quyết định hành chính bị khởi kiện, song thực tế việc xác định một số loại quyết định hành chính gặp khó khăn, điển hình như trong việc cấp GCN quyền sử dụng đất. Các quy định về việc tham gia phiên tòa của kiểm soát viên, việc xác định người bị kiện trong vụ án hành chính, hay về thời hạn chuẩn bị xét xử… cũng đang gây nhiều vướng mắc.

Hơn nữa, quy định của pháp luật về THA hành chính nằm tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, như Luật Tố tụng hành chính, Luật THA dân sự…, với nhiều nội dung chưa cụ thể, rõ ràng. Ngoài ra, việc ủy quyền tham gia tố tụng theo quy định tại Khoản 3, Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thực tế triển khai rất khó khăn do người được ủy quyền là cấp phó của người đứng đầu tổ chức cũng phải tham gia nhiều công tác quản lý nhà nước; ý thức chấp hành án và thực hiện pháp luật trong THA hành chính của nhiều cơ quan, cá nhân còn hạn chế; trong khi thiếu thẩm phán, chấp hành viên, công chức làm công tác xét xử THA, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi giám sát.
Từ thực tế đó, UBND TP kiến nghị Quốc hội và UBTV Quốc hội nghiên cứu về cơ chế ủy quyền trong tố tụng hành chính, để Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan chuyên môn là thành viên UBND tham gia giải quyết vụ án hành chính theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, trình UBTV Quốc hội thông qua. Đồng thời, cần sớm thông qua Luật Ban hành quyết định hành chính; cho phép trong trường hợp người bị kiện vắng mặt (chủ tịch, phó chủ tịch UBND) có thể được trả lời, giải trình các nội dung theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng bằng văn bản.

Đặc biệt, đề nghị Quốc hội rà soát tổng thể cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai, sở hữu nhà, quy hoạch, bồi thường, GPMB… qua các thời kỳ để đảm bảo việc áp dụng, hướng dẫn pháp luật được thống nhất trong hệ thống pháp luật chuyên ngành và pháp luật về tố tụng. Đối với các cấp chính quyền địa phương tại TP, UBND TP cũng đề nghị tăng sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền với việc chấp hành pháp luật trong giải quyết, THA hành chính; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan TAND, Viện KSND, THA và UBND trong giải quyết, thi hành các bản án hành chính, đảm bảo các vụ án được giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật, không kéo dài.

Lắng nghe các ý kiến từ phía TP Hà Nội, đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định: Trong các tỉnh, TP mà đoàn đã đến khảo sát thì tại Hà Nội có số vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND và UBND rất lớn. Điều này cho thấy tính dân chủ đã được mở rộng, hành lang pháp lý tăng lên, cả bên chính quyền và người dân đều lấy pháp lý để làm công cụ bảo vệ quyền lợi của mình, tính chất của Nhà nước pháp quyền ngày càng thể hiện rõ.