Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy số 27/2001/QH15 có hiệu lực, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 24/10/2022 để triển khai thực hiện, trong đó đã phân rõ trách nhiệm cho từng ngành, từng cấp, từng đơn vị; đồng thời đề ra chỉ tiêu năm 2023 hoàn thành ít nhất 30% cơ sở; năm 2024 hoàn thành ít nhất 70%; đến năm 2025 hoàn thành 100% cơ sở trên địa bàn TP.
Qua theo dõi việc triển khai thực hiện của các đơn vị, nhận thấy tiến độ thực hiện còn chậm, không bảo đảm chỉ tiêu, yêu cầu, lộ trình đã đề ra, UBND TP đã kịp thời ban hành các văn bản đôn đốc, chấn chỉnh các đơn vị. Cụ thể như: công văn số 2237/UBND-ĐT ngày 19/7/2023 của UBND TP về xử lý các công trình không bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn TP; công văn số 3832/UBND-NC ngày 13/11/2023 về chấn chỉnh việc thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND TP; thông báo số 200/TB-VP ngày 17/5/2024 về thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP về triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Trong đó nghiêm túc phê bình thủ trưởng các sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã để xảy ra các tồn tại, hạn chế, thiếu sót nêu trên và đề nghị chỉ đạo đơn vị chấn chỉnh, kiểm điểm ngay; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện không nghiêm chỉ đạo của TP (nếu có).
Bên cạnh đó, UBND TP đã chỉ đạo Công an TP (cơ quan thường trực tham mưu về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ) thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị, cơ sở thực hiện nghị quyết của HĐND TP. Công an TP đã thường xuyên bám sát, ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện chuyên đề trọng tâm trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn; xử lý các công trình không bảo đảm an toàn PCCC...
UBND cấp huyện tổ chức 30 hội nghị đánh giá việc thực hiện các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn quản lý. Hội nghị đã đánh giá sâu việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND và quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện nghị quyết này. Năm 2024 hoàn thành đôn đốc ít nhất 70% cơ sở khắc phục xong các nội dung tồn tại về PCCC.
Về kết quả khắc phục, đến thời điểm hiện tại có 2.961 cơ sở đã cam kết lộ trình, thời hạn khắc phục; có 2.953 cơ sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện; 2.915 cơ sở đã được UBND cấp huyện phê duyệt cam kết, kế hoạch thực hiện; 719 cơ sở đã khảo sát, lập dự toán kinh phí; 144 cơ sở đã lập hồ sơ thiết kế; 111 cơ sở đã triển khai thi công; 94 cơ sở đã hoàn thành khắc phục các tồn tại về PCCC.
Việc thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND còn một số tồn tại, hạn chế. có 2 đơn vị chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở xây dưng kế hoạch, ký cam kết lộ trình thực hiện và phê duyệt kế hoạch cam kết lộ trình thực hiện; có 20 đơn vị chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở khảo sát, lập khái toán kinh phí thực hiện. Một số đơn vị vẫn để xảy ra tình trạng sót, lọt cơ sở trên địa bàn quản lý. Tiến độ khắc phục các nội dung tồn tại về PCCC của các cơ sở còn rất chậm, đến thời điểm hiện tại mới có 94/2.980 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC (đạt 3,1%).
Cùng với đó, việc thực hiện nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND còn gặp một số khó khăn như việc xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với công trình, hạng mục công trình thuộc diện điều chỉnh theo quy định tại điều 63a của Luật PCCC đang gặp khó khăn vướng mắc do đặc thù các cơ sở đã tồn tại và đưa vào hoạt động từ trước khi Luật PCCC, thông tư, nghị định của Bộ Công an ban hành; đồng thời, liên quan đến thời hiệu, thời hạn xử lý vi phạm hành chính cũng như quy định việc tàm đình chỉ, đình chỉ hoạt động với đối tượng này là chưa bảo đảm căn cứ về mặt pháp lý để thực hiện.
Số cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết sử dụng ngân sách Nhà nước rất lớn (2.481 cơ sở, chiếm 83,5% trên tổng số cơ sở), trong đó có 198 cơ sở sử dụng ngân sách cấp Trung ương (chiếm 10%), 829 cơ sở sử dụng ngân sách cấp TP (chiếm 27,8%), 1.354 cơ sở sử dụng ngân sách cấp huyện (chiếm 45,4%). Đến nay, phần lớn các cơ sở này vẫn chưa chủ động khái toán kinh phí để báo cáo các cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách thực hiện khắc phục các tồn tại về PCCC bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Nhiều UBND cấp huyện phó mặc việc lập dự toán kinh phí của các cơ sở sử dụng ngân sách Nhà nước (đặc biệt là số cơ sở sử dụng ngân sách cấp huyện) cho Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cấp huyện, trong khi đây là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và đơn vị hướng dẫn là phòng tài chính cấp huyện dẫn đến tiến độ triển khai rất chậm, không bảo đảm mục tiêu.
Thời gian tới, UBND TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND và Kế hoạch số 273/KH-UBND của UBND TP. Chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá lại tiến độ thực hiện khắc phục các tồn tại của cơ sở để hướng dẫn cơ sở khắc phục ngay. Đối với các cơ sở đã cam kết hoàn thành trong năm 2023 mà chưa thực hiện theo đúng cam kết, phải làm việc và yêu cầu cam kết, hoàn thành khắc phục ngay.