KTĐT - "Doanh thu năm nay cao gấp đôi năm ngoái và chúng tôi đã có khả năng trang trải các chi phí và mở rộng hoạt động tại đây và trong thành phố Hồ Chí Minh, trang So Saigon".
Elliott Price, chủ một trang thông tin được ưa chuộng dành cho người nước ngoài tại Hà Nội, nhận xét rằng con người ở nơi này đáng mến, bởi "khi đã hiểu bạn rồi, họ coi bạn như người thân".
Price lập ra trang The New Hanoian cách đây 5 năm, và hiện nó trở nên phổ biến trong cộng đồng những người nói tiếng Anh ở thành phố. Website này cho phép các thành viên trao đổi thông tin về các lĩnh vực khác nhau tại Hà Nội: từ mua & bán, tìm nhà cho thuê, du lịch, giải trí cho đến các sự kiện sắp diễn ra, việc làm cho người nước ngoài.
Bất kỳ thành viên nào cũng có thể đăng tải thông tin về dịch vụ mình đã từng sử dụng. Ban biên tập sau đó sẽ kiểm chứng, xác nhận thông tin, đăng ảnh và bản đồ chỉ đường.
Elliott Price lập ra trang này năm 2005 cùng với nhà lập trình web Tom Lancaster. Cả hai đều là người Mỹ.
"Chúng tôi tự bỏ tiền túi để lập ra The New Hanoian. Tom tự viết code, nên chúng tôi tiết kiệm được khoản chi phí lớn", doanh nhân 35 tuổi kể. "Tôi thì tự đến gặp các doanh nghiệp trong Hà Nội, thuyết phục họ đăng thông tin trên website. Lúc bấy giờ, ai cũng ngờ vực chúng tôi, vì có biết bao người nước ngoài đã đến đây với những ý tưởng kinh doanh lớn lao để rồi thất bại".
Khi đó, Price cũng có các đối thủ hướng tới đối tượng là người nước ngoài sống tại Hà Nội, nhưng đặc tính chung của họ là chưa khai thác tốt các thành viên diễn đàn và dựa quá nhiều vào ban biên tập của mình. Mà theo anh, các biên tập viên khó mà bám sát thông tin thực tế như cửa hàng nào trong thành phố vừa mở hay phải đóng cửa.
"Họ phải chịu sức ép hoàn vốn từ các nhà đầu tư", Price nói. "Trong khi đó chúng tôi thì có thể kiên nhẫn phát triển từng bước, vì tiền của chúng tôi bỏ ra không lớn và là tiền túi".
Trước khi chuyên tâm kinh doanh trên trang web này, Price đi dạy tiếng Anh, còn Tom thì sống bằng nghề lập trình. Năm 2005 và 2006 là thời điểm khó khăn nhất với hai người. Suốt một thời gian dài, họ không có nổi 1.000 khách truy cập mỗi tháng. Nay thì con số đó là 48.000 người.
Nguồn thu của trang web có được từ các doanh nghiệp muốn khuếch trương hình ảnh trên website và tương tác với các thành viên. Hiện nay, dịch vụ thu lợi nhất là quảng cáo cho các công ty bất động sản.
"Doanh thu năm nay cao gấp đôi năm ngoái và chúng tôi đã có khả năng trang trải các chi phí và mở rộng hoạt động tại đây và trong thành phố Hồ Chí Minh, trang So Saigon", Price nói.
Trong số những khó khăn về kinh doanh ở Việt Nam, đối với The New Hanoian, đau đầu nhất là việc tuyển người. Elliott cho biết đi tìm lập trình viên người Việt đạt yêu cầu là một việc cực kỳ khó khăn. "Hiện giờ chúng tôi có một nhân viên lập trình làm dưới quyền Tom, mà anh này lại là người Mỹ. Trên thực tế, tìm người lập trình đạt yêu cầu đến từ Mỹ, Canada hay Pháp và thuyết phục họ chấp nhận một mức lương thấp hơn giá thị trường tại các nước này dễ hơn tìm lập trình viên người Việt rất nhiều, cho dù chúng tôi rất muốn tận dụng nguồn lao động trong nước."
Còn tuyển nhân viên kinh doanh cũng không dễ dàng, vì công việc đòi hỏi những tố chất mà sinh viên mới ra trường chưa chắc đã đáp ứng được: trình độ ngoại ngữ, sự am hiểu về các doanh nghiệp và cả sự dẻo dai. Nhiều nhân viên nữ xin nghỉ làm sau một thời gian phải đi gặp các doanh nghiệp và dầm nắng mỗi ngày 3 - 4 tiếng đồng hồ. "Có một số bậc cha mẹ buộc con gái họ thôi làm, vì họ sợ con gái mình ra nắng nhiều da sẽ đen và như thế bị coi là xấu", Price kể.
Tuy nhiên, anh vẫn cho rằng Hà Nội là một nơi dễ sống. "Người Hà Nội khi họ đã hiểu rõ bạn rồi, họ sẽ hết lòng vì bạn và coi bạn như người thân".
Price thừa nhận việc anh là Tây mang lại cho anh lợi thế trong công việc. "Người Việt Nam đôi khi ngưỡng mộ quá mức người nước ngoài, cho dù là họ chưa chắc đã xứng đáng như thế. Ví dụ như khi tiếp cận một doanh nghiệp mới, bao giờ tôi cũng phải đi trước, trình danh thiếp, rồi tiếp theo đó mới là các nhân viên của tôi". Điều này dễ khiến người ta liên tưởng tới câu chuyện một số công ty ở Trung Quốc thuê người da trắng về làm giám đốc "dỏm" để oai hơn khi đi gặp đối tác.
Hiện sống hạnh phúc bên người vợ Việt cùng con trai và sắp đón chào một thành viên mới, Price bình luận một cách hài hước: "Vì ngôn ngữ chúng tôi khác biệt, nên khi có tranh cãi, tôi và vợ tôi không thể nặng lời với nhau".