Hợp tác thành công trên nhiều lĩnh vực
Năm 2011, đoàn đại biểu TP Hà Nội đã đến thăm, làm việc với tỉnh Lai Châu. Lãnh đạo hai tỉnh, TP đã quyết định một số nội dung hợp tác giữa giai đoạn 5 năm từ 2011 - 2015, tại Thông báo số 169-TB/TU ngày 12/12/2011. Đến nay, hoạt động hợp tác của Hà Nội với tỉnh Lai Châu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực: Thương mại, du lịch, y tế, giao thông...
Trong đó, thương mại và lĩnh vực đã thu được nhiều kết quả tích cực trong quá trình hợp tác thông qua chương tình liên kết công nghiệp, thương mại với 7 tỉnh miền núi phía bắc giai đoạn 2012 – 2015 của ngành công thương Hà Nội, trong đó có tỉnh Lai Châu.
Ngoài việc tổ chức các cán bộ, doanh nghiệp tham gia các Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm với vùng Tây Bắc. TP Hà Nội còn ký Bản thỏa thuận phối hợp quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm với 14 tỉnh, TP trọng điểm phía Bắc, bao gồm tỉnh Lai Châu.
Tổ chức đoàn công tác tại Lai Châu, cùng trao đổi kinh nghiệm, khảo thực tế tình hình tại các cửa khẩu, trao đổi về nghiệp vụ, kinh nghiệm xử lý đối với lĩnh vực buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm... để phối hợp tốt hơn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Đối với lĩnh vực y tế, TP Hà Nội đã cử cán bộ tăng cường theo Đề án 1816 trong 3 năm từ năm 2010 - 2012 cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu. Hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho một số bác sỹ cho Bệnh viện đa khoa tỉnh do Bệnh viện Saint Paul (Xanh Pôn) thực hiện; Đầu tư xây dựng 4 gian nhà Trạm Y tế xã San Thàng, TP Lai Châu; và tổ chức nhiều đoàn y bác sỹ khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe cho nhân dân các dân tộc của tỉnh.
Trong suốt quá trình hợp tác, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cụ thể: trong chuyển thăm và làm việc năm 2011 đã trao tặng Quỹ xóa đói giảm nghèo của tỉnh 02 tỷ đồng. Kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây dựng trường tiểu học Tân Phong, thành phố Lai Châu trị giá 10 tỷ đồng, đến nay các dự án bàn giao và đi vào hoạt động; Năm 2018, tại chương trình “Vòng tay nhân ái”, thành phố Hà Nội đã trao tặng 10.000 ghế inox (trị giá 1,3 tỷ đổng) cho nhà văn hóa các xã khó khăn, đồng thời hỗ trợ các phần quà cho học sinh nghèo và các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh...
Tăng cường hợp tác phát triển
Bí thư tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ cho biết, từ khi tái lập tỉnh đến nay, tỉnh Lai Châu đã đạt nhiều kết quả tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. GRDP tăng trưởng bình quân 12%/năm từ 2016 đến nay, thu nhập bình quan đầu người năm 2018 đạt 37 triệu đồng/người/năm. Thế mạnh của tỉnh tập trung vào công nghiệp thủy điện và sản xuất nông nghiệp hàng hóa với những sản phẩm đặc trưng, như: chè, cá nước lạnh, gạo đặc sản…
Đến thời điểm hiện tại, ngân sách trung ương cấp cho tỉnh đã giảm từ 98% xuống còn 75%. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 24% tổng quy mô dân số, các chính sách cho đồng bào dân tộc được sự quan tâm, 100% hộ dân có điện lưới quốc gia.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đã đạt được trong thời gian qua, nhưng tỉnh Lai Châu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn khó khăn, trình độ dân trí và lao động còn thấp, giao thông kết nối với các vùng còn khó khăn do khoảng cách về địa lý…
“Đề nghị TP Hà Nội tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ Lai Châu trong thời gian tới, để tỉnh có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, có điều kiện bảo vệ bền vững vùng đầu nguồn biên cương” – Bí thư tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ nói.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tại Hội nghị lần này Lãnh đạo hai địa phương tiếp tục thống nhất một số phương hướng, nhiệm vụ cùng hợp tác, phát triển trong thời gian tới. Tập trung vào một số nội dung trọng tâm, gồm: Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; Hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: Công nghiệp – thương mại; Nông nghiệp; Y tế - Giáo dục; Văn hóa – Thể thao – Du lịch; Quốc phòng – An ninh... TP Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ và huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ an sinh xã hội và các hoạt động thiện nguyện tại tỉnh Lai Châu.
Tại Hội nghị Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã chúc mừng những kết quả mà chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời thống nhất với đề xuất của tỉnh ủy Lai Châu về việc giao UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Lai Châu để chỉ đạo các Sở, ngành xây dựng những kế hoạch cụ thể để chủ động thực hiện và mỗi địa phương sẽ cử một đồng chí Phó Chủ tịch UBND phụ trách trực tiếp vấn đề này.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, cũng đề xuất hai địa phương trong thời gian tới bên cạnh những nội dung hợp tác đã được ký kết trước đây, sẽ tập trung vào một số nội dung, cụ thể: Về hợp tác trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị sẽ thực hiện hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các quận, huyện của hai địa phương; Đối với hợp tác trên vấn đề phát triển kinh tế - xã hội: Tập trung vào việc tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Lai Châu; Tổ chức tuần lễ thương mại Lai Châu tại Hà Nội; Tăng cường phối hợp trấn áp tội phạm để đảm bảo an ninh, quốc phòng...
“Hiện nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, phần cò lại đều phải đi nhập từ các tỉnh khác. Lai Châu có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều loại sản phẩm có giá trị như: thủy sản, lượng thực, dược liệu... hoàn toàn có thể khai thác thị trường Hà Nội, hai địa phương có thể mở rộng hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhưng cần phải xây dựng được vùng sản xuất theo hướng hàng hóa để ổn định cung cấp liên tục trong thời gian dài” – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo TP Hà Nội đã trao tặng quỹ an sinh xã hội tỉnh Lai Châu số tiền 3 tỷ đồng. Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội trao tặng Sở Giáo dục & Đào tạo Lai Châu số tiền 400 triệu đồng.