Nâng công suất, chạy đua với thời gian
Những ngày này, người dân trong làng nghề sản xuất bánh kẹo truyền thống Cổ Hoàng (xã Hoàng Long, Phú Xuyên) đang tất bật sản xuất đủ loại bánh kẹo phục vụ thị trường dịp Tết. Tại làng Cổ Hoàng, số cơ sở sản xuất lớn không nhiều nhưng gần như 100% hộ dân nơi đây có người thân tham gia vào một trong những công đoạn của nghề làm bánh kẹo.
Cận Tết, nhiều hộ phải thuê thêm nhân công thời vụ, thậm chí làm cả buổi tối để kịp đáp ứng đơn hàng của khách. Hộ bà Trần Thị Xuân, có thâm niên 30 năm làm kẹo chia sẻ: “Bận nhất là thời điểm những tháng chuẩn bị cho Tết cổ truyền. Hai tháng trước Tết, nhà bà làm cả ngày không hết đơn đặt hàng”.
Nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng quay về với những thức quà quê truyền thống đã tạo điều kiện cho làng nghề bánh kẹo Cổ Hoàng vươn mình phát triển. Cùng với việc đầu tư vào mẫu mã, những thức quà quê quen thuộc, người làng Cổ Hoàng cũng biết chiều theo xu hướng của người tiêu dùng ăn ít ngọt, ít béo.
Theo lãnh đạo UBND xã Hoàng Long, làng Cổ Hoàng có gần 100 hộ sản xuất bánh kẹo, trong đó hơn 20 cơ sở đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại. Từ 2 tháng trước Tết, máy móc nhà nào cũng chạy hết công suất. Trên khắp mọi ngả đường trong thôn luôn tấp nập các chuyến xe chuyên chở nguyên liệu về nhập cho các xưởng bánh kẹo.
Tại huyện Quốc Oai, không khí sản xuất tại làng nghề miến dong làng So, xã Tân Hòa cũng không kém phần hối hả. Từ trên đường đê ven Đáy dẫn vào làng đã thấy các giàn miến phơi trắng phau cả cánh đồng.
Ghi nhận tại Công ty Sản xuất thương mại và xuất khẩu Dương Kiên (Quốc Oai), không khí sản xuất đã nhộn nhịp ở tất cả các khâu. Anh Dương Đình Khôi, chủ doanh nghiệp này cho biết: cơ sở sản xuất quanh năm, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 1,5 tấn miến thành phẩm. Ngoài bán ở thị trường trong nước, công ty đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật, Đức, Đài Loan...
Từ tháng 11/2023, công ty đã bắt đầu nâng công suất lên gấp đôi để phục vụ cho các đơn hàng đặt dịp cuối năm, trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tấn miến khô. Phát huy thành công của năm trước, dịp Tết Nguyên đán 2024, công ty tiếp tục tung ra thị trường sản phẩm hộp quà tặng Tết từ miến dong và các phụ gia để nấu cùng miến thu hút đông đảo người tiêu dùng sắm Tết.
Thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề
Dịp cuối năm, ngoài các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; các làng nghề sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mộc, cơ khí phục vụ dịp Tết… cũng đang tất bật sản xuất để đáp ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương, các làng nghề truyền thống còn mang đến nét đẹp văn hoá đặc trưng với những sản phẩm đặc sắc của mỗi vùng miền mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, Thủ đô quy tụ khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó, có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống và hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Hầu hết các làng nghề tập trung ở các huyện ngoại thành cho hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, các làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn Thủ đô đều có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu và hơn 100 làng nghề đạt doanh thu bình quân 10 - 20 tỷ đồng/năm/làng nghề; gần 70 làng nghề đạt doanh thu 20 - 50 tỷ đồng/năm/làng nghề và khoảng 20 làng nghề có doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm/làng nghề.
Một số làng nghề có doanh thu cao, như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) đạt 1.301 tỷ đồng/năm…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, dịp cuối năm, hầu hết làng nghề đều tăng công suất gấp 2 - 3 lần so với những tháng trước đó, nhất là các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm… Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương, các quận, huyện mở nhiều điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, qua đó kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Để hỗ trợ cho các làng nghề phát triển, nhiều huyện gắn phát triển kinh tế làng nghề với du lịch sinh thái và trải nghiệm, từ đó, tạo bứt phá cho những làng nghề ngoại thành vươn lên thành “trụ đỡ” kinh tế của địa phương. Từ hướng đi đó, những năm qua, du lịch đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.