Theo đó, Sở NN&PTNT đã xây dựng 3 kịch bản giả định phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành và đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão năm 2020. Kịch bản 1, mưa dưới 50mm trong 1 ngày; kịch bản 2, mưa từ 100 đến 200mm trong 3 ngày; kịch bản 3, mưa từ 200 đến 300mm (hoặc lớn hơn) trong 3 ngày.
Với các kịch bản trên, Sở NN&PTNT đã có các giải pháp chung. Đó là, thường xuyên theo dõi tình hình mực nước tại các triền sông, theo dõi diễn biến thời tiết để điều tiết nước tưới, tiêu cho lúa vụ mùa một cách linh hoạt và chủ động để đảm bảo nguồn nước tưới và kịp thời chống úng khi mưa bão (đặc biệt là giai đoạn đầu vụ Mùa).
Các công ty thủy lợi chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi nhận bàn giao từ UBND các quận, huyện, thị xã theo nội dung Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND TP. Chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện, nhân lực đáp ứng yêu cầu xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa và hệ thống cống dưới đê.
Phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý thức bảo vệ công trình thủy lợi; triển khai giải tỏa các vi phạm, các chướng ngại vật trên dòng chảy trong hệ thống, kịp thời ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới, tái vi phạm; tạo dòng chảy thông thoáng trên các sông, kênh, mương chính (đặc biệt là trục chính sông Nhuệ và các hệ thống tưới, tiêu chính).
Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản thực hiện các giải pháp gia cố bờ khu nuôi, chuẩn bị vật tư như đăng, lưới đề phòng tràn bờ khu nuôi khi có mưa lớn và nước lũ. Xác định vị trí các vùng chuyên canh rau màu, hoa, cây ăn quả chất lượng cao, khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung, khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao để xây dựng phương án tiêu thoát nước hợp lý…