Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại đánh giá: “Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học trong xã hội cũng như nhu cầu nguồn chất lượng cao cho phát triển đất nước, rất cần phát triển các mô hình trường mới mà trong đó nội dung, phương thức cũng như các điều kiện để tổ chức hoạt động giáo dục có chất lượng tốt theo hướng tiếp cận các chuẩn giáo dục của các nước tiên tiến, nhằm tạo ra các sản phẩm giáo dục chất lượng cao (CLC). Để phát triển mô hình này vững chắc và đúng hướng cần phải có một bộ tiêu chuẩn cụ thể để các trường căn cứ vào đó phấn đấu, tự đánh giá cũng như để cơ quan chức năng và xã hội kiểm định tính trung thực của mô hình”. Ông Đại cũng cho rằng, bộ tiêu chí đánh giá cần phải đảm bảo 3 yêu cầu: ngắn gọn, rõ ràng và toàn diện; đảm bảo tính chính xác; dễ áp dụng. Tuy nhiên để xây dựng bộ khung tiêu chí đảm bảo 3 yếu tố này là việc rất khó khăn. Hơn thế nữa, việc xác định như thế nào là CLC cũng còn là một khái niệm khá “mơ hồ”.
Loay hoay “giải mã” Cuối tuần trước, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội thảo để đưa ra dự thảo bộ tiêu chuẩn để đánh giá trường CLC. Trong thảo được diễn ra ở phạm vi hẹp, Sở GD-ĐT Hà Nội đã mời các nhà khoa học, các trường đang thí điểm chương trình chất lượng cao và lãnh đạo các Vụ của Bộ GD-ĐT. Ông Hoàng Hữu Niềm, trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, bộ tiêu chuẩn dùng để đánh giá trường CLC do sở xây dựng dự kiến bao gồm 5 tiêu chuẩn (yếu tố) với 9 tiêu chí gồm 42 chỉ số đánh giá. Trong đó, các chỉ số đều được quy ra điểm trên thang điểm 100. Cũng theo ông Niềm, thời gian vừa qua, rất nhiều người ngộ nhận cứ điều hoà, máy lạnh thu tiền nhiều là CLC. Nhưng quan điểm của những người soạn dự thảo thì cơ sở vật chất chỉ là một trong 5 yếu tố cấu thành lên trường CLC. Đặc biệt, trong 5 tiêu chuẩn đánh giá mà Sở GD-ĐT đề ra có tiêu chuẩn cuối cùng là người học và kết quả giáo dục chiếm tới 50% số điểm. Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Văn Hòa, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường CLC có 3 đặc trưng cơ bản là hiện đại, khác biệt cao và tôn trọng sự đa dạng. “Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực hiện mô hình CLC từ lâu nhưng mục tiêu của trường không phải là để có bao nhiêu HS đỗ vào ĐH, hay khá giỏi mà là “giúp các trò ngày càng tiến bộ”. Điều này cho thấy, CLC không nhất thiết phải có một cái “chuẩn đầu ra” như Sở GD-ĐT đã yêu cầu là phải có 90% HS khá giỏi trở lên. Sự đa dạng về mô hình CLC cũng cho thấy các trường đứng cạnh nhau, cùng đào tạo cấp học nhưng sẽ không “triệt tiêu” nhau” - TS Hòa nhấn mạnh. Dưới góc độ khác, bà Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm, lại cho rằng ngoài các yếu tố như Sở đã quy định, để là “trường chất lượng cao” thì nội dung chương trình của tiểu học phải theo chuẩn của Bộ GD-ĐT cùng với chương trình riêng của trường, có thông qua Sở như chương trình tiếng Anh tự chọn của trường. “Khi chuyển sang đào tạo CLC, Trường Đoàn Thị Điểm đã tiến hành đào tạo thành các lớp song ngữ. Hiện ở trường có 3 mô hình: các lớp song ngữ, đào tạo theo chương trình quốc tế và các lớp tiếng Anh tự chọn. Nhưng các lớp tiếng Anh tự chọn trường chỉ có 9/94 lớp và năm nay sẽ kết thúc. Do đó, từ năm sau, trường chỉ còn hai mô hình” - bà Hiền cho biết. Đánh giá dưới góc độ chuyên môn, TS Vũ Văn Dụ cho rằng, trường CLC ở đây không quan niệm giống như trường chuyên mà có thể tạm định nghĩa là trên chuẩn so với quy định. Tuy nhiên việc Sở GD-ĐT đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá và chấm điểm là rất khó bởi có những yếu tố thì định lượng được nhưng có những yếu tố không thể cân đo đong đếm. Đồng với quan điểm này bà Phan Lan Anh - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) đánh giá: “Cần phải có những cuộc hội thảo tiếp theo với quy mô rộng hơn để làm rõ là vì sao hướng tiếp cận của chúng ta lại theo mục tiêu. Cái này cần phải có cơ sở lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó về chất lượng thì trước tiên phải đáp ứng được văn bản của Bộ GD-ĐT đã ban hành”. Ông Nguyễn Hải Châu - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ thêm: “Đánh giá trong nhà trường sẽ là nội dung trong giai đoạn tới Bộ GD-ĐT hết sức quan tâm. Hiện nay việc đánh giá của chúng ta độ tin cây chưa cao. Thậm chỉ kể cả đánh giá thường xuyên và định kỳ trong nhà trường có nơi thì làm tốt có nơi thì chưa. Chính vì thế để hướng tới trường CLC thì công tác đánh giá trong nhà trường cũng phải CLC, tiếp cận được các đánh giá hiện đại của quốc tế…”. Trường CLC: Học phí bao nhiêu thì đủ? Đây là câu hỏi mà phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đặt ra cho các trường tham dự hội thảo. Trả lời vấn đề nêu ra, hiệu trưởng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm TS. Nguyễn Văn Hòa cho hay, học phí của trường hiện đang là 2 triệu đồng/tháng nhưng đến năm 2015, dự kiến của trường là 4 triệu đồng/tháng. “Kinh phí là vấn đề khó dự trù, nhất là đối với các trường ngoài công lập. Nhưng đối với các trường công lập, khi muốn chuyển sang mô hình CLC không phải là dễ” - TS Nguyễn Văn Hòa phân tích. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cũng cho rằng, để thực hiện mô hình này, trước hết, các trường công phải chuyển sang mô hình công lập tự chủ tài chính. Nhưng các trường này được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất nên có lợi hơn trường tư nên khi đăng ký thực hiện mô hình CLC, các trường phải công khai mức học phí và mức học phí này phải thấp hơn các trường tư cùng thực hiện mô hình. Nhưng việc thu học phí tăng lên đối với trường công là điều rất khó khăn. Bởi người dân từ trước đến nay người dân vẫn nghĩ trường công là được “bao cấp”. Chia sẻ những khó khăn bà Lê Thị Oanh, phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, khi trường thực hiện mô hình CLC, học phí HS phải đóng là 550.000 đồng/tháng. Nhưng dư luận đã kêu rất nhiều. Theo bà Vũ Ngọc Dự - hiệu trưởng Trường mầm non Mai Dịch (Quận Cầu Giấy) để tránh tình trạng phụ huynh bức xúc thì trường phải có chiến lược rõ ràng, dài hơi. Mức học phí công bố công khai, đồng thời lộ trình tăng học phí cũng được đưa ra để phụ huynh có định hướng lựa chọn cho con theo học. Liên quan đến vấn đề học phí bao nhiêu thì đủ, bà Phan Lan Anh - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non phân tích thêm: “Cái khó hiện nay là giữa trường công và trường tư đang có sự chênh lệch khá lớn. Nếu ở trường công được nhà nước hỗ trợ về đất, tài chính… thì ở trường tư lại phải đi thuê. Chính vì thế mức học phí của trường tư có thể là cao nhưng chưa chắc con em phụ huynh được học trong môi trường giáo dục CLC. Chính vì thế cần phải có những chính sách để hỗ trợ cho trường tư”. Mặc dù hội thảo vẫn “chưa giải” mã được khái niệm “trường chất lượng cao” nhưng phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại vẫn khẳng định sự quyết tâm: “Thời gian tới Sở sẽ tiếp tục mở ra các cuộc hội thảo tiếp theo để phân tích đánh giá. Sau khi nhận được đóng góp ý kiến Sở sẽ đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá trình Bộ GD-ĐT, nếu được chấp thuận sẽ trình UBND thành phố sau đó triển khai. Sở sẽ cố gắng hoàn thành gửi Bộ trong tháng 1/2012”.
Rà soát đánh giá lại những trường thí điểm Trong hội nghị giao ban công tác GD-ĐT và văn hóa xã hội thành phố Hà Nội quý IV/2011, liên quan đến trường chất lượng cao, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cần phải sớm rà soát lại những trường đang thực hiện thí điểm. Những trường nào đủ điều kiện thì mời Bộ GD-ĐT về khảo sát đánh giá coi cao như thế nào, học phí thu như thế đã phù hợp chưa… Khi chưa có bộ tiêu chuẩn để đánh giá thì có thể cấp giấy chứng nhận tạm thời. Việc làm này đảm bảo hành lang pháp lý cho các trường hoạt động bên cạnh đó tránh phụ huynh bức xúc trước việc thu học phí cao. Những trường nào không đủ điều kiện thì yêu cầu cho quay về trường bình thường không thể cứ để cho phụ huynh nghi ngờ mãi được. |