Nhiều mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao
Là hộ tham gia mô hình nuôi cá lồng lăng đen, anh Phạm Ngọc Thanh (xã Phú Châu, huyện Ba Vì) chia sẻ, trước đây, gia đình anh nuôi các loại cá truyền thống nhưng tốc độ tiêu thụ chậm. Trong khi đó, thị trường có xu hướng ưa chuộng sản phẩm đặc sản, vì vậy khi được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ con giống và kỹ thuật, gia đình rất phấn khởi, chủ động học hỏi cách nuôi cá lăng thương phẩm.
“Sau 7 tháng, ao nuôi cá lăng cho thu hoạch với thu nhập hơn 100 triệu đồng. Mừng nhất là một số nhà hàng, đơn vị đã nhận bao tiêu sản phẩm khi cá đạt trọng lượng lý tưởng. Đây là động lực để tôi tiếp tục đầu tư thêm lồng nuôi mới, mở rộng quy mô nuôi” – anh Thanh nói.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, cá lăng có giá trị dinh dưỡng cao, không có xương dăm, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là loài cá da trơn, sinh sống ở tầng đáy, nhiều phù sa, nước chảy chậm, tĩnh. Qua nghiên cứu cho thấy, cá lăng có thể phát triển tốt trong môi trường lồng, bè với thức ăn chủ động. Nhận thấy nuôi loại cá này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhiều địa phương, năm 2021, đơn vị xây dựng mô hình nuôi cá lồng lăng đen, quy mô 600m3 tại xã Phú Châu (huyện Ba Vì) và xã Văn Đức (huyện Gia Lâm).
Trên diện tích hơn 15ha, Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (xã Đại Áng) đang đầu tư áp dụng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” với quy mô 15 bể nuôi. Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng Nguyễn Văn Thiêm cho biết, các bể nuôi được lắp thiết bị máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, xử lý nước thải, ô xy hóa... nhờ đó cá sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình sản lượng đạt khoảng 300 tấn cá/năm, doanh thu hơn 7 tỷ đồng/năm, cao hơn 1,8 lần so với nuôi cá theo phương pháp truyền thống.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, 2021 là năm đầu tiên Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng bắt tay vào nuôi thử nghiệm cá tra theo hướng VietGAP.
Qua 1 vụ nuôi cho thấy, cá tra phù hợp với thời điểm khí hậu miền Bắc từ tháng 3 đến tháng 10. Khi áp dụng công nghệ nuôi “sông trong ao”, cá tra rất nhanh lớn, bình quân đạt mức trọng lượng tăng 200g/con/tháng. Bên cạnh đó, việc sử dụng chế phẩm xử lý môi trường nước và trộn men vi sinh hữu cơ vào thức ăn cho cá đã giúp ao nuôi đạt hiệu quả cao khi ao nuôi miễn nhiễm với dịch bệnh, còn đàn cá sinh trưởng khỏe mạnh.
Nâng giá trị cho vùng nuôi tập trung
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của TP là 24.000ha, cho sản lượng ước đạt 120.000 tấn thủy sản các loại. Hiện, trên địa bàn Hà Nội có khá nhiều loại mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nuôi ứng dụng “sông trong ao”, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ vi sinh, xử lý môi trường nước, ứng dụng công nghệ cung cấp oxi tự động… Các mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi khi vừa nâng cao chất lượng môi trường nước giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, vừa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cá thương phẩm cung ứng cho thị trường Thủ đô.
Tuy nhiên, thực tế nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội còn không ít khó khăn, nhất là về hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu nuôi trồng thủy sản còn thiếu. Toàn TP có hơn 25.800 hộ nuôi trồng thủy sản nhưng quy mô đa phần nhỏ lẻ nên việc áp dụng công nghệ trong nuôi trồng chưa đa dạng, mới chỉ dừng ở công đoạn xử lý môi trường nước là chủ yếu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu TP tập trung nguồn lực hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản về con giống nuôi ngắn ngày, có năng suất cao, như: Cá rô phi đơn tính, cá chép lai. Cùng với đó, TP cũng sẽ hỗ trợ hóa chất, chế phẩm sinh học khử trùng môi trường ao nuôi tại vùng nuôi thủy sản tập trung; tăng cường công tác quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn.
Mặt khác, Sở sẽ phối hợp với các huyện tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, xây dựng chuỗi liên kết giữa DN và người dân để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bán cho siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đồng thời tiếp tục có chính sách hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng đồng bộ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2021, Hà Nội mở rộng thêm 600ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Cụ thể đối với các khu vực: Tại huyện Thanh Trì phát triển thêm 5ha nuôi cá chép, rô phi cỡ lớn; tại huyện Mê Linh mở rộng 59ha nuôi các loại cá chép, trắm, rô phi, mè, trôi, ếch... Một số huyện khác cũng mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản như: Mỹ Đức (79ha), Phú Xuyên (50ha), Thạch Thất (60ha), Ứng Hòa (111ha), Thường Tín (77ha)...