Nửa cuối năm 2018, vượt qua nhiều các địa phương, Hà Nội liên tục đứng đầu thu hút FDI. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP Hà Nội năm 2018 tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ, đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 22% tổng vốn FDI cả nước. Trong đó cấp mới 492 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới 5,18 tỷ USD; tăng vốn 140 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 727 triệu USD; chấp thuận góp vốn mua cổ phần DN Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 440 triệu USD. Tính đến nay, số vốn ĐTNN thực hiện giải ngân trên địa bàn TP đạt khoảng 15,6 tỷ USD, bằng 47% vốn đầu tư đăng ký. Vốn giải ngân tăng đều từng năm.
Theo thông tin từ Sở KH&ĐT Hà Nội, TP luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Nhiều giải pháp đã được nhắc tới, như cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai, sử dụng quỹ đất, mặt bằng phục vụ đầu tư, kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác điều hành, cải cách hành chính...
Với riêng lĩnh vực cải cách hành chính, câu nói “Hà Nội không vội được đâu" đã được TP quyết tâm “xóa”. Hà Nội ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước TP. Trong đó, TP đã vận hành thử nghiệm phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3, 4; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. TP giảm giấy tờ thủ tục, thời gian trả kết quả giảm nhiều lần thông qua hệ thống hành chính một cửa. Điển hình, ngành thuế, đăng ký kinh doanh đạt 100% qua mạng… Các Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đều tăng... “Tinh thần chỉ đạo của TP là luôn luôn đồng hành với người dân, DN và việc này sẽ tiếp tục và kiên trì hơn nữa để tạo điều kiện cho các DN”- Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ.
Với đặc điểm địa lý và nguồn nhân lực sẵn có, một điểm nhấn khác biệt của Hà Nội trong thu hút FDI: Ngoài các dự án công nghệ cao, các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, Hà Nội cũng xác định khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sinh học, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp, thực phẩm sạch an toàn..., đặc biệt là các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Điển hình là Dự án Xây dựng đô thị thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội của nhà đầu tư Nhật Bản có tổng vốn đầu tư lên đến 4,138 tỷ USD. Đây cũng là dự án lớn nhất được cấp phép trong năm qua. Ngoài siêu dự án này, Hà Nội cũng đã đón nhận nhiều dự án hàng trăm triệu USD có thể kể đến như những dự án: Lotte Mall Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư; Nhà máy Nidec vốn đầu tư 400 triệu USD; Trung tâm thương mại AEON MALL tại Hà Đông, hơn 170 triệu USD; Nhà máy nước mặt sông Đuống với tổng quy mô gần trên 200 triệu USD... Đây là những con số thể hiện sức hấp dẫn của Thủ đô trong mắt của giới ĐTNN.
Dư địa thu hút FDI, tăng trưởng kinh tế tri thứcNguồn ngoại lực nói trên là khá lớn và khi được hiện thực hóa sẽ kịp thời bổ sung để tạo ra tăng trưởng kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. Với những thực tiễn trong thời gian qua có thể dự báo Hà Nội sẽ gặt hái thành công hơn nữa nguồn vốn ĐTNN...
Nền kinh tế Việt Nam đang thu hút lượng lớn vốn ĐTNN. “Lực hút” lúc này là sự hấp dẫn của một thị trường hơn 93 triệu dân có mức thu nhập đang tăng cao, kết hợp với sự nới lỏng về tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN trong DN ở một số ngành nghề. Một khảo sát khác do Ngân hàng United Overseas Bank của Singapore thực hiện mới đây cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những nơi hấp dẫn đầu tư nhất ở châu Á. Những lĩnh vực hấp dẫn đầu tư nhất ở Việt Nam là ngành sản xuất, y tế và dược phẩm, xây dựng và bất động sản, năng lượng và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Cùng với cả nước, Hà Nội đang có thời cơ thuận lợi để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, hai yếu tố mới, đầy hấp dẫn khiến Việt Nam trở nên có lợi thế vượt trội để thu hút đầu tư nước ngoài trong tương lai gần là việc Việt Nam cùng các đối tác có tiềm lực hàng đầu thế giới bước vào giai đoạn thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có khả năng được ký kết trong thời gian tới.
Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2018 - 2020, TP chọn 3 khâu đột phá là cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, Hà Nội lấy vấn đề xây dựng TP thông minh làm nội dung trọng tâm để tạo cú hích cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế những năm sau này của TP và là dư địa để tăng trưởng với nền kinh tế tri thức.