Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Cán bộ là gốc của nền hành chính hiệu lực, hiệu quả
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, từ góc độ nghiên cứu lý luận và thực tiễn đều cho thấy: Một nền hành chính muốn hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải dựa trên cơ sở một đội ngũ cán bộ, công chức có ý thức cao về bổn phận và trách nhiệm công vụ trong quản lý nhà nước, thi hành pháp luật và phục vụ Nhân dân. Trách nhiệm công vụ bao hàm cả những ràng buộc thuộc phạm trù pháp lý lẫn phạm trù đạo đức, có những chuẩn mực chung ở mọi nền hành chính, đồng thời, có những yêu cầu, nguyên tắc riêng phù hợp với thể chế chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước của mỗi quốc gia.
|
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu khai mạc hội thảo. |
Trong tổng thể chiến lược cải cách hành chính của mình, Hà Nội đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Trong hai nhiệm kỳ (khóa XV, XVI), Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 08 “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020”, trong đó xác định một trong ba mục tiêu quan trọng của chương trình là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thực sự trong sạch, vững mạnh, có đủ trình độ, phẩm chất, đạo đức và năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trọng tâm là tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân”. Với những quyết tâm, nỗ lực không ngừng, mục tiêu trên được cụ thể hóa và thực hiện xuyên suốt gần 10 năm qua, tạo nên những bước chuyển tích cực về chất lượng nền công vụ phục vụ của Thủ đô nói chung và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng, nhất là về ý thức chấp hành và thực thi trách nhiệm công vụ.
Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm để phục vụ, trong thời gian qua tất cả hệ thống bộ máy chính trị của TP đã quyết tâm thực hiện việc tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của thành phố tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng, lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội.
Năm 2017, thành phố Hà Nội đã lựa chọn chủ đề là “Năm kỷ cương hành chính”; năm 2018 là năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; chủ đề công tác này tiếp tục được Thành phố triển khai thực hiện trong năm 2019. Cùng với việc tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp, Thành phố quyết tâm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18 và 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt xong Bản mô tả công việc và Khung năng lực vị trí việc làm trong toàn bộ các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp. Đến nay, Thành phố và các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố đã thực hiện công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá theo vị trí việc làm, bước đầu mang lại hiệu quả.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức được TP có nhiều đổi mới như việc đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị và Giám đốc các Sở chuyên ngành chấm điểm Trưởng các phòng chuyên môn cấp sở và UBND cấp huyện, Chủ tịch cấp huyện chấm điểm Chủ tịch cấp xã… Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội được triển khai sâu rộng; kỷ luật, kỷ cương hành chính được đặc biệt quan tâm, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm; thái độ, lề lối làm việc của công chức đã có chuyển biến tích cực, rõ nét.
Cùng với việc tập trung nâng cao trách nhiệm công vụ, Thành phố đã phối hợp thực hiện có hiệu quả năm “Dân vận chính quyền” - năm cả hệ thống chính trị đồng lòng, chung sức làm công tác dân vận, trong đó các cấp chính quyền của thành phố là nòng cốt, đi tiên phong. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ thành phố tới cơ sở thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn. Các đồng chí lãnh đạo TP đã đối thoại trực tiếp với công dân tại một số “điểm nóng”, nổi cộm, để kịp thời chỉ đạo giải quyết đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp; kịp thời chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, sở, ngành có liên quan tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định, đề xuất phương án giải quyết có tính khả thi cao, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; đồng thời, xử lý theo quy định của pháp luật những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kích động tập trung đông người, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.
Kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố đã được thể hiện qua các Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố: Chỉ số CCHC xếp thứ 2/63 tỉnh, Thành phố; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 xếp thứ 9/63 tỉnh, Thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2017, tăng 15 bậc so với năm 2015, cao nhất từ trước đến nay và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018 tăng 16 bậc so với năm 2017 về đích sớm 02 năm so với mục tiêu nhiệm kỳ. Những nỗ lực trong công tác CCHC, nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh dân vận chính quyền đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đóng góp tích cực trong tăng trưởng cả nước giai đoạn 2016-2020.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, thời gian qua, Hà Nội đã đúc rút cho mình nhiều bài học đắt giá liên quan tới trách nhiệm công vụ, công tác dân vận chính quyền, như bài học trong tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để xử lý những “điểm nóng”; về chấn chỉnh ứng xử, phát ngôn, tác phong sinh hoạt của cán bộ, công chức từ sự giám sát, phản biện của báo chí, dư luận xã hội; về cung cấp thông tin và giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức thiết… Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ. Với tinh thần cầu thị, TP Hà Nội mong được lắng nghe, tham vấn những đóng góp, hiến kế từ các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý tại Hội thảo.
Làm rõ trách nhiệm công vụ trong điều kiện mới
Hội thảo đã nhận được hơn 80 bài tham luận, tập trung vào 2 nhóm vấn đề. Thứ nhất, kiến giải rõ hơn một số vấn đề lý luận về “trách nhiệm công vụ” và “dân vận chính quyền”, nhất là khái niệm “trách nhiệm công vụ” từ phương diện pháp lý, chính trị, xã hội; các khái niệm có liên quan như “đạo đức công vụ”, “trách nhiệm chính trị”, “trách nhiệm hành chính”, “trách nhiệm pháp lý”, “trách nhiệm giải trình”…; bản chất, nguồn gốc, nội dung, phương thức thực hiện“dân vận chính quyền”… Về mối quan hệ giữa thực thi trách nhiệm công vụ và dân vận chính quyền. Đặc biệt, những vấn đề lý luận trên cần được soi chiếu làm sáng rõ hơn từ chính thực tiễn của Hà Nội, cũng như tham chiếu một số kinh nghiệm quốc tế về trách nhiệm công vụ và dân vận chính quyền.
Thứ hai, nhận định về những “điều kiện mới” hiện nay ảnh hưởng, tác động đến hiệu lực, hiệu qủa quản lý nhà nước, trong đó, có thực thi trách nhiệm công vụ và công tác dân vận chính quyền, có tính đến những đặc điểm, điều kiện mang tính riêng, đặc thù của Thủ đô.
Đánh giá thực trạng chế độ trách nhiệm công vụ và công tác dân vận chính quyền của cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội. Ghi nhận những nỗ lực, kết quả của Hà Nội trong xây dựng một nền công vụ ngày càng hiện đại, hiệu quả, một chính quyền chuyển mạnh sang mô hình phục vụ. Nhưng quan trọng hơn là chỉ ra những bất cập, hạn chế để các cấp chính quyền Hà Nội tự soi, tự nhìn lại mình, tiếp tục đổi mới để không ngừng vươn lên.
Ngoài ra, một số nhà khoa học, chuyên gia đã hiến kế cho chính quyền Hà Nội những giải pháp để nâng cao chất lượng việc thực thi trách nhiệm công vụ, đạo đức công vụ, cũng như công tác dân vận chính quyền.
Tham luận tại Hội thảo, ông Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết, qua theo dõi Hà Nội cho thấy đây là điển hình nổi bật của cả nước về “đối thoại” kể cả cấp Thành phố và quận huyện. Việc đối thoại làm cho người dân rất tin tưởng và đồng tình, lấy được lòng tin của Nhân dân. Nâng cao dân vận chính quyền là giữ vững được lòng tin của nhân dân. Hà Nội luôn đi đầu cả nước về dân vận, chính quyền, đặc biệt là giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân như vấn đề tôn giáo…
|
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang phát biểu tại hội thảo |
Ông Lê Văn Hoạt – Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ là nhân tố quan trọng nhất đảm bảo tính kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, tạo dựng hình ảnh đẹp đẽ về một nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, nếu như sức mạnh của pháp luật là sự cưỡng chế, bắt buộc thì sức mạnh của đạo đức là niềm tin cá nhân, là nền nếp văn hóa, truyền thống dân tộc, là sức mạnh dư luận xã hội. Vì vậy, nâng cao đạo đức công vụ, biến nhận thức đạo đức công vụ thành hành vi đạo đức khi thi hành công vụ của người cán bộ công chức là việc làm hết sức cần thiết. Từ đó sẽ khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm, phiền hà, sách nhiễu, vô cảm, tham nhũng, lãng phí nơi công sở.
|
Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt |
Nêu một số giải pháp để nâng cao đạo đức công vụ, ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) kiến nghị Thủ đô cần xây dựng một quy định riêng về đạo đức công vụ bám sát vào Luật Thủ đô và thực tế trong thi hành công vụ hiện nay. Từ đó, cần nghiên cứu toàn bộ các luật và quy định liên quan như Luật Cán bộ, công chức, Luật khiếu nại, Tố cáo, Luật thực hành tiết kiệm,…để đề xuất với Chính phủ và Quốc hội ban hành một luật riêng về đạo đức công vụ.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Thang Văn Phúc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng nếu như vậy chúng ta sẽ có thêm công cụ để kiểm soát cán bộ. Bên cạnh đó, cần hình thành nền tảng triết học về giá trị đạo đức mới đặc biệt là đạo đức công vụ mới; cần thực sự kiên trì xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền và nền hành chính chuyên nghiệp hiện đại. “Chính quyền càng công khai, minh bạch bao nhiêu thì hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước càng được nâng lên bấy nhiêu” – ông Phúc nói.
|
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc |
Ông Vi Quang Đạo – Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ lưu ý ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành để nâng cao trách nhiệm công vụ. Hà Nội đã mạnh mẽ làm điều này và trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy để thay đổi từ “Hà Nội không vội được đâu” thành “Hà Nội không vội không xong” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Kết luận hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Hội thảo đã làm rõ, sâu sắc trách nhiệm công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ trong điều kiện mới, được đặt ra trong xu thế cơ cấu lại chức năng của các nền hành chính trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Đặc biệt, nhiều giải pháp phong phú đã được đưa ra để nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách. Những nội dung của Hội thảo sẽ được chắt lọc, vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Hà Nội, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, kỷ cương, minh bạch và liêm chính.