Hà Nội nâng cấp, làm mới tour đón khách quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (15/3), Việt Nam đã mở cửa du lịch đón khách quốc tế. Hiện DN lữ hành đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của Hà Nội để thu hút du khách quốc tế và trong nước.

Tạo dựng sản phẩm mới

Để đón khách quốc tế đến Hà Nội nhiều DN du lịch, đơn vị quản lý di tích văn hóa, lịch sử đã có kế hoạch khai thác tiềm năng lợi thế của Thủ đô với các sản phẩm đặc thù, trong đó chú trọng vào sản phẩm du lịch văn hóa.

Theo đó, ngày 15/3, Công ty Lữ hành Hanoitourist kết hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai trương tour “Bác Cổ mùa hoa gạo”. Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, du khách tham gia tour này có thêm cơ hội trải nghiệm văn hóa Việt Nam thông qua các trò chơi dân gian và không gian làng quê bên gốc cây gạo cổ thụ.

Khách du lịch tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Khách du lịch tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Trước đó, Hanoitourist đã cho ra mắt sản phẩm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” giới thiệu đến du khách những công trình kiến trúc giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây đầu thế kỷ XX như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà hát Lớn Hà Nội, khách sạn Sofitel Metropole, Bắc Bộ phủ…

Hay như Công ty Du lịch quốc tế ITC đang phối hợp cùng một số đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa một ngày khám phá Thủ đô và mùa Xuân Hà Nội. Tương tự, Công ty Du lịch VietFoot Travel tổ chức các tour du lịch đạp xe khám phá phố cổ và ngoại thành Hà Nội, cùng với đó là xây dựng những sản phẩm chuyên biệt như du lịch bất động sản, golf… 

Ở khu vực ngoại thành, nhiều sản phẩm du lịch mới đang hình thành. Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Đỗ Hữu Thế cho biết, nhằm thu hút du khách, đơn vị phối hợp với trường Đại học Lâm nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch “Mùa hoa sim”, qua đó tạo cơ hội cho du khách hòa mình với thiên nhiên hoang dã trong kỳ nghỉ hè sắp tới.

Trong khi đó, Trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Đặng Thạo thông tin, đơn vị đã xây dựng sản phẩm du lịch theo từng chủ đề, nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách khi tham quan làng cổ.

 

Ngày 15/3/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP miễn thị thực cho công dân các nước: CHLB Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus, khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu trên được thực hiện trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 15/3/2022 đến hết ngày 14/3/2025. 

Thực tế cho thấy, những ngày này các đơn vị quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn Hà Nội đang triển khai tour du lịch đặc thù. Hiện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã triển khai chương trình "Check in ngay nhận quà hay", với hàng nghìn phần quà để tặng khách đến tham quan khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Phó Trưởng Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu thông tin, đơn vị đang triển khai sản phẩm du lịch đêm với tên gọi "Đêm thiêng liêng: Sáng ngời tinh thần Việt", "Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” được làm mới theo hướng lắng đọng, giàu cảm xúc hơn.

“Hiện tại, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục xây dựng tour "Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân" qua đó tôn vinh các anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi hy sinh lại Nhà tù Hỏa Lò, ngoài ra đang xây dựng một tour đêm đặc biệt dành riêng cho khách nước ngoài” - ông Đặng Văn Biểu chia sẻ.

Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng làm mới tour

Thông tin về việc ngành du lịch Hà Nội đẩy mạnh xây dựng sản phẩm phục vụ khách quốc tế, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, Thành phố đã chung tay với các DN xây dựng sản phẩm du lịch truyền thống, và mở rộng sang những loại hình du lịch phù hợp với tình hình mới. Đồng thời khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch được làm mới trên nền tảng sản phẩm du lịch truyền thống, là thế mạnh trước đây của đơn vị.

“Thời gian tới du lịch Hà Nội cũng tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng các điểm đến văn hóa, di sản, làng nghề, làng cổ, đồng thời phát triển những loại hình du lịch nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm và tổ chức sự kiện)" - ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.  

Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Thông tin về các giải pháp hỗ trợ DN xây dựng tour mới, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thông tin, từ nay đến hết năm 2022, Sở sẽ phối hợp với các DN lữ hành nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ trung tâm TP đến làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất, Quốc Oai và Sơn Tây, Ba Vì. Đồng thời vận động DN tích cực tham gia, quảng bá hình ảnh thông qua các sự kiện du lịch do TP Hà Nội tổ chức.

Cụ thể gồm: Chương trình Get on Hà Nội 2022, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội trình diễn kinh khí cầu, Lễ hội kích cầu du lịch… “Đặc biệt, Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 31 cũng là cơ hội rất tốt để các DN có thể quảng bá sản phẩm du lịch với khách quốc tế” - bà Đặng Hương Giang nêu rõ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN khai thác tiềm năng thế mạnh của Hà Nội trong xây dựng tour, thu hút du khách trong nước, quốc tế, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội trong năm 2022 - 2023.

Theo đó, kịch bản và lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch Hà Nội được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (quý I và II/2022), tổ chức hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tại các tỉnh, thành cả nước, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, điều kiện đón khách du lịch quốc tế. Giai đoạn 2 (từ quý III/2022), dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn Thành phố, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.