Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Nhân rộng các vùng rau ứng dụng công nghệ cao

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất rau chuyên canh tập trung, tạo thuận lợi cho người dân áp dụng công nghệ vào canh tác, đến nay, Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao, cho giá trị kinh tế vượt trội.

Những vườn rau thu lãi tiền tỷ 

Năm 2017, hộ gia đình ông Hoàng Quốc Chiến ở xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) đầu tư khoảng 2 tỷ đồng xây dựng 2.000m2 nhà lưới trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao tại địa phương với các loại rau theo mùa (rau muống, cải xanh, cải xà lách tím, cải bó xôi, cải thìa, cải ngọt...). Rau trồng theo phương thức thủy canh phát triển tốt, thích hợp với khí hậu nên sản lượng và chất lượng tương đối ổn định.

Mô hình trồng rau thủy canh của ông Hoàng Quốc Chiến ở xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Trọng Tùng
Mô hình trồng rau thủy canh của ông Hoàng Quốc Chiến ở xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Trọng Tùng

“Hiện giá bán các loại rau trung bình từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn 10 - 15% so với ngoài chợ. Đặc biệt, sản xuất theo phương pháp này bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên tôi được ký hợp đồng cung cấp cho các DN trên địa bàn. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán khoảng 3 tấn rau, thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm” - ông Hoàng Quốc Chiến chia sẻ.

Tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao của Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý là một trong 125 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của toàn quốc.

Giám đốc hợp tác xã Đặng Thị Cuối cho hay, với 5ha trồng đa dạng các loại rau, củ, hiện trung bình mỗi ngày hợp tác xã thu hoạch từ 2 - 4 tấn rau xanh với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Giá trị thu nhập bình quân của hợp tác xã đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm; thu nhập của mỗi thành viên tham gia hợp tác xã đạt trung bình 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn TP có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ cùng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương, hợp tác xã đưa công nghệ cao vào sản xuất rau. Hiện, tại các vùng trồng rau đã có 127ha ứng dụng kỹ thuật nhà lưới, 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, 7 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 750m2.

Đầu tư chuyên sâu cho các vùng rau chuyên canh tập trung

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, trồng rau công nghệ cao không giống như trồng rau thông thường, vì phải đầu tư bài bản nên chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng đổi lại chất lượng, năng suất cao hơn và hạn chế được nhiều rủi ro từ thời tiết, diễn biến sâu bệnh. Thêm nữa, khi gây dựng được mối tiêu thụ thì đầu ra ổn định, doanh thu lên đến chục tỷ đồng/ha mỗi năm.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Ánh
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Ánh

Từ nay đến năm 2030, Hà Nội xác định mục tiêu cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.

Vì vậy, thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng rau chuyên canh theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu; đồng thời tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm rau có lợi thế; xây dựng các vùng rau chuyên canh tập trung, quy mô lớn theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường.

TP cũng sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể: Hà Nội sẽ mở rộng diện tích rau an toàn đạt khoảng 8.000 - 9.000ha, diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng 400 - 500ha; diện tích rau ứng dụng công nghệ cao khoảng 300 - 500ha. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh với từng nhóm rau, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tốt, hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến.

Đặc biệt, tổ chức quản lý và hướng dẫn diện tích sản xuất rau không chuyên canh, nhỏ lẻ, manh mún, xen kẹt đúng quy trình sản xuất an toàn; phấn đấu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định cho 90% diện tích sản xuất rau an toàn trên địa TP Hà Nội.

 

Nếu trước đây, mô hình nhà màng, nhà kính, nhà lưới trồng rau công nghệ cao rất ít, quy mô nhỏ, thì nay ở hầu hết các huyện đều có mô hình điểm, đem lại giá trị cao, bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, một số sản phẩm rau, nấm... số lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương