Hà Nội: Nhiều chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp và người nông dân

Nguyễn Vũ - Hải Anh
Chia sẻ Zalo

Hiện nay, nhiều chính sách của Trung ương và TP về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP; khuyến khích các DN, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình huy động nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất...

Để DN là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, các địa phương cần có một chính sách nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp, định hướng phát triển bền vững. Ảnh: Nguyễn Vũ  
Để DN là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, các địa phương cần có một chính sách nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp, định hướng phát triển bền vững. Ảnh: Nguyễn Vũ  

Đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 20 DN đầu tư vào sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, giống lúa mới; 9 DN đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; 250 DN đầu tư sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản... Song, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội vẫn đang gặp không ít rào cản. Nguyên nhân chính là do các DN, hợp tác xã đều gặp khó khăn về nguồn vốn và quỹ đất. Hơn nữa, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao, nên việc thuê đất sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nhưng đến nay số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Để nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, bền vững, các ngành chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra nguồn nông sản chất lượng, an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho biết, thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng việc tiếp cận chính sách trong thực tế rất khó khăn, như: Giá thuê đất, thuế; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định, gây khó khăn cho DN khi xây dựng vùng nguyên liệu tập trung...

Bên cạnh đó liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cũng đang gặp nhiều khó khăn. GĐ Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh rau, củ, quả an toàn, du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh (huyện Phú Xuyên) Đào Thị Lương cho biết, mỗi ngày hợp tác xã tiêu thụ hàng chục tấn nông sản, thực phẩm theo chuỗi liên kết với các đơn vị khác, cung ứng cho nhiều siêu thị. Tuy nhiên, một số hộ nông dân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất an toàn, số lượng, chủng loại, gây khó khăn cho hợp tác xã trong thu mua nông sản theo đơn đặt hàng của DN.

Còn theo GĐ Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long, hiện nay, hợp tác xã đã liên kết tiêu thụ theo chuỗi thực phẩm A-Z. Song để quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng, hợp tác xã thường tốn khoảng 10 - 20% chi phí trong tổng giá trị sản phẩm. Đó là một trong những khó khăn cho hợp tác xã khi phải cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp sản xuất truyền thống trên thị trường có giá rẻ hơn.

Theo Tiến sĩ Bùi Thị Xô, Nguyên GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội: Cách xây dựng dự thảo chính sách, khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn TP Hà Nội lần này có nhiều tiến bộ như tập trung đầu tư không dàn trải. Đây là hướng phát triển rất hiệu quả của nông nghiệp, do đó trong dự thảo Nghị quyết cần bổ sung chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp du lịch sinh thái.

Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, nhằm thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục tham mưu TP có những chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến nông sản.

DN đồng hành cùng nông dân

Để DN là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, các địa phương cần có một chính sách nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp, định hướng phát triển bền vững. Như liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, nhất là đối với nông dân, tránh tình trạng "được mùa, mất giá"… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nông dân vẫn còn "lúng túng" trong sản xuất cũng như hợp tác với DN để tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng.

GĐ Cty CP Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, các sở, ngành cần tham mưu với TP có thêm cơ chế về tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương…

GĐ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Việc xây dựng chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh biến động thị trường, rào cản thương mại, chi phí sản xuất tăng cao.

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa nông dân, DN và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản còn lỏng lẻo. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; DN chế biến, phân phối hoặc bao tiêu sản phẩm khó có thể ký kết hợp đồng đơn lẻ với hàng trăm hộ nông dân với quy mô sản xuất và trình độ canh tác khác nhau…

Rất cần các địa phương tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng vùng, gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật.