Theo đó, năm nay, TP Hà Nội phấn đấu doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP (tăng 1% so với năm 2016). Giữ vững thứ hạng từ thứ 2 trở lên trong cả nước về chỉ số thương mại điện tử (EBI) hàng năm. Phấn đấu tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến năm 2017 đạt 63% số người sử dụng Internet trên địa bàn TP (tăng 3% so với năm 2016).
Phấn đấu năm 2017 đạt 80% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Phấn đấu 60% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, Website cập nhật thông tin, bán sản phẩm của doanh nghiệp. Phấn đấu 80% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán của khách hàng bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phấn đấu 100% cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.
Để thực hiện chỉ tiêu trên, UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện 14 nội dung như: Điều hành hiệu quả website “Bản đồ mua sắm TP Hà Nội” có địa chỉ mạng tại http://bandomuasam.hanoi. gov.vn để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực, du lịch, giải trí... trên địa bàn thành phố. Phát triển Logistics, mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa phục vụ hoạt động thương mại điện tử; tăng khả năng kết nối giao dịch giữa TP Hà Nội với các địa phương khác trong cả nước. Phát triển các dịch vụ trực tuyến như: Dịch vụ du lịch trực tuyến; dịch vụ đặt phòng/khách sạn trực tuyến; dịch vụ đặt chỗ, mua vé tàu bay, tàu hỏa, tour du lịch... trực tuyến.Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP. Khuyến khích thiết lập các website/ứng dụng thương mại điện tử chuyên ngành kinh doanh nông sản, thực phẩm; hình thành các “chợ nông sản, thực phẩm” uy tín, bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trên môi trường mạng.Đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR (Quick Response code - mã phản hồi nhanh hay còn gọi là mã vạch ma trận matrix-barcode) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng mã hình QR in trên tem chống giả, tem xác thực hoặc các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu…Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ứng dụng thương mại điện tử cho cộng đồng qua các hoạt động truyền thông trên báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, cẩm nang thương mại điện tử. Tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tổ chức kiểm tra định kỳ hoạt động thương mại điện tử của một số doanh nghiệp trên địa bàn TP. Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử theo quy định…
Trước đó, ngày 6/3, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản 920/UBND-KT triển khai đẩy mạnh mua sắm thường xuyên qua mạng. Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa điện tử (e-Catalog) áp dụng cho mua sắm thường xuyên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thì thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đó và ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Lộ trình áp dụng hình thực lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với mua sắm thường xuyên thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025 và Văn bản số 349/UBND-KH&ĐT ngày 22/01/2016 của UBND TP về việc triển khai lộ trình áp dụng đăng ký thông tin và đấu thầu qua mạng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 08/9/2015 của Liên Bộ: Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính. |