Kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực quản lý về chuyển đổi số
Đầu năm 2024, TP đã thống nhất, đồng bộ công tác chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan về CCHC, chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ "về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030", cụ thể là hợp nhất 3 Ban chỉ đạo thành Ban chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số và Đề án 06 TP, do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng Ban). Đồng thời ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo bảo đảm công tác chỉ đạo thống nhất, tổng thể, thể hiện rõ trách nhiệm của từng ngành trong công tác CCHC, chuyển đổi số và Đề án 06 tại TP.
Bên cạnh đó, kết quả nổi bật trong công tác phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của TP năm nay chính là TP đã chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ T.Ư đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến 2030” trên địa bàn TP Hà Nội (Kế hoạch 245/KH-UBND ngày 15/8/2024 của UBND TP). Cùng với đó, TP cũng chỉ đạo sáp nhập Tổ Công nghệ số cộng đồng với Tổ triển khai Đề án 06 của các thôn, tổ dân phố, nhằm bảo đảm tinh gọn; đồng thời tổ chức đào tạo, hướng dẫn hoạt động của các Tổ chuyển đổi số và nghiên cứu xây dựng cơ chế duy trì hoạt động của Tổ.
Cùng với ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh năm 2024 và Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước TP Hà Nội, TP đã ban hành một loạt quy chế, quy định liên quan như: Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của TP Hà Nội; Danh mục dữ liệu mở; Quy chế khai thác, chia sẻ dữ liệu; Quy chế quản lý, vận hành, kết nối, bảo đảm an toàn thông tin và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước TP Hà Nội; Mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND TP và các quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung. Quy định về quản lý và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống thu soát vé tự động liên thông dùng trong giao thông công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.
Đẩy mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Theo đại diện UBND TP, một kết quả nổi bật trong 9 tháng qua của công tác phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của TP chính là Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp và hỗ trợ tối đa 10 phiếu lý lịch tư pháp (bản giấy) cho người dân khi có đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID kể từ ngày 1/6/2024 đến hết 31/12/2024.
Trước đó, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết quy định mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, theo đó mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Nghị quyết 07/2023/NQ-HĐND).
Song song đó, một số nhiệm vụ lớn về hạ tầng được TP tập trung triển khai từ đầu năm đến nay, trong đó xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn TP. Trung tâm điều hành này góp phần tích cực trong công tác quản lý, cập nhật số liệu toàn ngành giáo dục, nắm bắt kịp thời tình hình các nhà trường, công tác thông tin báo cáo nhanh, gọn, khoa học.
Cùng đó, TP đã triển khai thí điểm Hệ thống điều hành giao thông thông minh với 9 chức năng: hệ thống giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, điều khiển giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự ATGT, quản lý giao thông công cộng, quản lý sự cố, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý đỗ xe, quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng. Đồng thời, đã lắp đặt 14 camera tại 2 nút giao thông trên đường Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy; triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu chính phục vụ triển khai chính quyền điện tử; xây dựng Đề án “Tổ chức lại Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội thành Trung tâm Điều hành thông minh TP”.
Đáng chú ý, một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, DN đang được TP triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử TP, Cấp lý lịch tư pháp trên VnelD; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng; Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn Hà Nội phục vụ công tác quản lý dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy trên toàn TP. TP cũng đang triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhằm tạo minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện và giảm ùn tắc ở khu vực trung tâm.
Đồng thời, một số mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình đã được các quận, huyện triển khai tích cực trong 9 tháng năm nay, với một số mô hình nổi bật như: “Thanh toán không dùng tiền mặt”, “Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt”, “Chuyển đổi số trong trường học” (đăng ký sử dụng chữ ký số cho giáo viên, lưu trữ hồ sơ điện tử, thu học phí không dùng tiền mặt, nộp thuế điện tử qua app eTax Mobile), “Bộ phận “một cửa” Hiện đại - Chia sẻ - Hỗ trợ”; triển khai hạ tầng mạng không dây, Internet miễn phí phục vụ người dân...
Điển hình tại quận Bắc Từ Liêm, theo Chủ tịch UBND quận Nguyễn Hữu Tuyên, triển khai và thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4, đến nay mô hình “Tổ dân phố điện tử” dưới hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trên địa bàn quận đã xây dựng được 36 mô hình. Từ khi triển khai thực hiện các DVC trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3 tại quận luôn đạt 100%, trong đó với cấp quận đạt 100% và cấp phường đạt trên 96% hồ sơ công dân nộp hồ sơ tại nhà.
Đặc biệt, quận đang thực hiện hiệu quả 2 mô hình “Số hóa nộp hồ sơ cấp giấy phép xây dựng tại cấp phường” và “Ứng dụng CNTT 4.0 trong xử lý kiến nghị phản ánh của người dân, tổ chức, DN liên quan TTHC”- mô hình giải đáp nhanh phản ánh, kiến nghị của người dân 24/7 qua hotline. Nội dung về số hóa tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân thông qua số điện thoại đường dây nóng của Chủ tịch UBND quận sử dụng gói VCC Call Center, gồm 1 máy chủ và 30 nhánh máy lẻ thuộc các phòng, ngành, đơn vị có TTHC và UBND 13 phường.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, từ đầu năm đến nay, quận tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả mô hình điểm tại Đề án 06/CP trên địa bàn Hà Nội và mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp phường của quận giai đoạn 2023-2024, đáp ứng những yêu cầu về chuyển đổi số theo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của TP.
Tiếp tục triển khai kế hoạch của UBND quận đưa vào những mô hình thí điểm về chuyển đổi số cấp phường trên địa bàn quận Long Biên giai đoạn 2023-2024, tại các phường đã lựa chọn đăng ký thực hiện những mô hình điểm và tổ chức ra mắt một số mô hình chuyển đổi số, đồng thời bố trí cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện tại các khu dân cư.
Trên toàn quận triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, ứng dụng CNTT trong hoạt động. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn, vận động người dân sử dụng công nghệ số, thực hiện các giao dịch giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia và DVC TP. Cùng đó, chủ động triển khai thanh toán trực tuyến đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận, phường; tại bộ phận “một cửa” quận và 14 phường tạo mã QR phục vụ thanh toán cho Nhân dân, tổ chức khi giải quyết TTHC tại đơn vị.
Năm 2024, TP đã chỉ đạo Sở TT&TT hướng dẫn, cảnh báo các lỗ hổng bảo mật gây mất an toàn thông tin theo khuyến cáo của Bộ TT&TT, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng và khắc phục sự cố cho các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Đến nay, đã có 239/298 hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc TP được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ.