Thí sinh tự tin
Tại Hà Nội, sáng qua (1/6), học sinh khối 12 đã đến các Hội đồng thi (HĐT) để nhận phòng thi, xem số báo danh, nghe phổ biến quy chế thi. TS đã được Chủ tịch HĐT, giám thị hướng dẫn, phổ biến quy chế thi, những vật dụng được và không được mang vào thi... Theo đó, chỉ khi giám thị cho phép, TS mới được vào phòng thi và ngồi đúng chỗ ghi số báo danh của mình, nếu đến muộn quá 15 phút sẽ không được vào dự thi.
Theo ông Kiều Trung Tiến - Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng, các phòng thi đều có kế hoạch sớm, bố trí phù hợp, hệ thống điện, nước, quạt mát, ánh sáng đầy đủ, ngoài hành lang có bố trí chỗ để cặp sách cho TS. "HĐT có 730 TS dự thi, với 31 phòng thi. Với những thay đổi ở buổi thi có 2 môn thi, trường khá thuận lợi trong cách phân luồng TS, vì trường có 2 cổng, nên đã bố trí một cổng cho TS ra, một cổng để TS vào thi" - ông Tiến cho biết. Tại HĐT trường THPT Đống Đa nơi có 600 TS dự thi, ông Đặng Tuấn Linh - Chủ tịch HĐT cho biết, HĐT đã phối hợp với địa phương, công an, lực lượng phòng cháy chữa cháy, y tế, điện lực để đảm bảo cho kỳ thi được an toàn nghiêm túc và trật tự. HĐT đã họp và phân công nhiệm vụ tới từng bộ phận, từng giám thị…
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết TS sau khi nghe phổ biến quy chế thi đều có tâm lý khá thoải mái, tự tin đối với môn thi Ngữ văn sáng nay. Đặc biệt, nhằm mục đích phát hiện, tố cáo gian lận trong thi cử, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép TS được mang và sử dụng trong phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng thu, không có chức năng phát, truyền tín hiệu. Tuy nhiên, tất cả các học sinh tại HĐT THPT Đống Đa khi được hỏi đều cho biết sẽ không mang các thiết bị này vào phòng thi.
Điểm đổi mới đầu tiên
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm mới. Để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các HĐT rất chu đáo. Toàn TP có 57 cụm thi, 149 HĐT với tổng số 3.221 phòng thi, số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động phục vụ cho kỳ thi là gần 11.000 người. Sở đã thành lập 20 đoàn kiểm tra, trong suốt hơn 2 tuần qua đã kiểm tra từng HĐT, các phòng thi về điều kiện cơ sở vật chất, điện, nước, ánh sáng, quạt mát... Các lỗi về hồ sơ của TS đã kịp thời được khắc phục, các thiếu sót về cơ sở vật chất của các HĐT đã được bổ sung kịp thời. "Có thể khẳng định, ngành GD&ĐT đã bảo đảm mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi. Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo tăng cường kỷ luật trường thi, phân công rõ trách nhiệm cho các thành viên trong HĐT. Những cán bộ để xảy ra lộn xộn, tiêu cực, dung túng cho TS, sẽ bị xử lý kỷ luật. Quan điểm của Sở là quyết tâm tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, nhưng không gây căng thẳng cho TS" - ông Nguyễn Hiệp Thống nhấn mạnh.
Mặc dù tổ chức thi tốt nghiệp THPT là công việc thường niên, nhưng năm nay, Bộ GD&ĐT đã lựa chọn kỳ thi tốt nghiệp này làm điểm đổi mới đầu tiên, là bước đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Để đáp ứng yêu cầu này, Ban Chỉ đạo thi của TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai sớm và kiểm tra nhiều vòng. Sau mỗi lần kiểm tra đều rút kinh nghiệm để chấn chỉnh ngay những lỗi còn tồn tại. Sáng mai (3/6), TS sẽ thi 3 môn: Toán (120 phút); chiều 3/6 thi Hóa (60 phút) và Địa lý (90 phút).
Theo số liệu của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), năm nay, cả nước có 910.831 TS đăng ký tham gia thi tốt nghiệp, trong đó có 823.796 TS ở hệ THPT, 87.035 TS ở hệ Giáo dục thường xuyên. |
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc kiểm tra cơ sở vật chất trước kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng thi trường Phan Đình Phùng. Ảnh: Thanh Hải
|
Mọi thành viên tham gia tổ chức, chỉ đạo và thực hiện kỳ thi phải tuân thủ nghiêm túc quy định hiện hành, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan ở bất kỳ khâu nào. Đặc biệt, phải đảm bảo mục tiêu: An toàn, nghiêm túc, khách quan. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc Trưởng ban Chỉ đạo và kiểm tra các kỳ thi, tuyển sinh năm 2014 |