Hà Nội sắp xếp đầu mối, tinh giản biên chế: Kết quả bước đầu nhưng còn nhiều vướng mắc

Bài, ảnh: Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) tại TP Hà Nội dù đã đạt kết quả bước đầu rất khả quan, song trên thực tế còn bộc lộ không ít hạn chế và cả khó khăn, vướng mắc cần sớm có giải pháp đồng bộ tháo gỡ, mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Bài 2: Nhiều “nút thắt” từ cơ sở
Tiến độ còn chậm
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu nhận định: Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014, Nghị định 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 trên cơ sở Luật Tổ chức HĐND - UBND năm 2003 nay đã được thay thế bằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 nên các thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và bộ chuyên ngành hướng dẫn thực hiện 2 nghị định không còn phù hợp về cơ sở pháp lý.
 Công chức bộ phận Một cửa UBND phường Đội Cấn (quận Ba Đình) giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân.
Đây chính là rào cản không nhỏ cho các địa phương khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính. Trong khi đó, việc sắp xếp ĐVSN như trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm bảo trợ xã hội, trạm chăn nuôi - thú y, trạm khuyến nông cấp huyện… chưa đạt tiến độ; kết quả tinh giản biên chế còn thấp. Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg cũng chưa được thực hiện.
"Đặc biệt, chuyển ĐVSNCL sang cơ chế tự chủ giai đoạn 2018 - 2021 gồm cả lĩnh vực giáo dục sẽ khó đạt chỉ tiêu 10% theo Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 khóa XII, do lĩnh vực này có 2.204 đơn vị với 100.953 biên chế, chiếm tới 83,68% tổng đơn vị, 78,92% tổng biên chế viên chức toàn TP, trong khi số đơn vị và biên chế tiếp tục tăng do tăng trường lớp, học sinh” - bà Nguyễn Thị Liễu nói.

"Với khó khăn trong TGBC những người trình độ, năng lực kém, các địa phương, đơn vị cần đặt quyết tâm cao hơn để tới đây có đội ngũ CBCCVC, nhất là lãnh đạo có chuyên môn tốt. Đặc biệt, cần linh hoạt trong TGBC, không máy móc đơn vị nào cũng giảm đúng 10% mà có thể tùy thực tế; tăng cường quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của T.Ư và TP về sắp xếp bộ máy, TGBC; rà soát lộ trình thực hiện những năm tiếp theo để kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy CBCCVC không đáp ứng yêu cầu công việc." - Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà

Đáng chú ý, theo khảo sát mới đây của Ban Pháp chế HĐND TP, trong sắp xếp, tổ chức bộ máy, có những đơn vị chưa hoàn thành (Sở NN&PTNT), hoặc thực hiện chậm (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội, Công ty TNHHMTV Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh…). Lĩnh vực văn hóa thể thao cũng chậm sắp xếp ĐVSN, lúng túng thực hiện tự chủ.
Nhất là sắp xếp ĐVSN gặp nhiều vướng mắc do thiếu văn bản hướng dẫn của T.Ư để làm căn cứ như đưa cơ sở giáo dục công lập ra ngoài công lập hoặc thực hiện tự chủ. Thực tế cũng cho thấy, thực hiện tinh giản biên chế tại nhiều đơn vị bị chậm, chưa nhiều biên chế được tinh giản, nhất là tại ĐVSNCL. Đối tượng TGBC chủ yếu vẫn là người sắp nghỉ hưu, rất ít người là dôi dư sau sắp xếp bộ máy mà không còn vị trí phù hợp hoặc không đủ năng lực để bố trí công việc khác.
Mới chỉ giảm đầu mối cơ học
Theo Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Sơn Tây Đỗ Thị Lan Hương, dù đạt kết quả tích cực bước đầu trong sắp xếp, tổ chức bộ máy, song địa phương cũng gặp không ít khó khăn như: Bàn giao Đội Thanh tra xây dựng, Chi nhánh Phát triển quỹ đất về UBND thị xã diễn ra trong thời gian dài.
Trong khi chờ quyết định bàn giao của TP thì Đội Thanh tra xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất sử dụng ngân sách chi thường xuyên phải thông qua cơ quan, đơn vị khác. Hay Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Văn hóa, Trung tâm TDTT và Đài Truyền thanh, với việc tinh giản biên chế nhiều, nhanh đang gây khó khăn trong bố trí công việc (sau sáp nhập và trong 2 năm 2017 - 2018 đã tinh giản biên chế 9 viên chức). Trong khi, việc chậm tổ chức tuyển dụng CCVC và TP không cho phép các đơn vị ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) cũng gây thiếu CCVC chuyên môn.
Tại huyện Sóc Sơn, một số đơn vị cũng chưa quyết liệt, thiếu kế hoạch cụ thể, với số biên chế tinh giản chủ yếu là nghỉ hưu trước tuổi, tự nguyện, chưa có giải pháp tích cực TGBC những người năng lực yếu, đặc biệt ở khối xã, ĐVSN.
"Việc biên chế nhiều cơ quan tại thời điểm thực hiện tinh giản biên chế chưa đảm bảo theo chỉ tiêu giao, nhất là biên chế giáo dục, do số lớp, học sinh tăng, khó bố trí đủ giáo viên đứng lớp, cũng khó đạt mục tiêu đến 2021 tinh giản biên chế tối thiểu 10% tại các ĐVSN”- Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh chia sẻ.
Sau sắp xếp, cơ cấu phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT cũng đã giảm 30%, song Giám đốc Sở Chu Phú Mỹ thừa nhận: Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy tại Sở theo quyết định của UBND TP chưa hoàn thành, dẫn đến đề án vị trí việc làm khối ĐVSN chưa được phê duyệt nên đơn vị cũng không được phê duyệt kế hoạch tuyển dụng CCVC.
Một nguyên nhân là các cấp, ngành đã ban hành nhiều văn bản về sắp xếp bộ máy nhưng mới đạt yêu cầu giảm đầu mối cơ học, mà chưa quan tâm nhiều đến hiệu quả hoạt động, đặc thù các đơn vị sau sắp xếp. Mặc khác, còn nguyên nhân chủ quan là việc triển khai rà soát, sắp xếp bộ máy hành chính, ĐVSNCL tại Sở chưa quyết liệt, chưa được tập trung cao độ.
Đáng chú ý, khảo sát nhiều cơ quan, ĐVSN cho thấy, khó khăn gặp phải trong sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế không chỉ từ cơ chế chính sách mà còn từ chính tồn tại cũ của các đơn vị trước khi sáp nhập, sắp xếp. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP (Ban QLDA) Phạm Hoàng Tuấn cho hay: Ban được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng 7 ban QLDA cũ, trong 187 dự án tiếp nhận có tới 136 dự án phải quyết toán, xử lý tồn đọng, giải quyết công nợ.
Nhiều dự án kéo dài lâu năm không được giải quyết dứt điểm trước khi sáp nhập, nay không còn nguồn thu từ quản lý dự án. Số người hàng năm giảm nhưng thực chất do tự xin chuyển công tác hoặc chấm dứt HĐLĐ, trong đó nhiều người chuyên môn tốt, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Ban. Bộ máy sau sắp xếp cơ bản ổn định, song do Ban mất cân đối nguồn thu nên vẫn tiềm ẩn nhiều bất cập trong thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn tinh giản biên chế chưa kịp thời, nhất là các ban QLDA của TP có tồn tại từ nhiều năm trước chưa được giải quyết dứt điểm trước khi hợp nhất. Hiện Ban có 283 dự án nhưng chủ yếu ở nội đô nên tỷ trọng vốn dùng cho GPMB chiếm trên 50%, khiến Ban không đủ chi phí thường xuyên.
"Số hợp đồng lao động chuyên môn từ các ban cũ chiếm tới 1/4 nhân sự tại Ban, trong đó một số người hợp đồng lâu năm nhưng có chuyên môn nghiệp vụ chưa phù hợp; trong khi quy định tuyển CBCCVC mới không được quá 50% số biên chế tinh giản, nghỉ hưu hoặc thôi việc, nên rất khó cho đơn vị. Số người hiện đã giảm gần 30% so với lúc hợp nhất, Ban cần tuyển bổ sung vào những trường hợp đã chuyển, song tài chính hạn chế nên khó triển khai”- ông Phạm Hoàng Tuấn chia sẻ.

(Còn nữa)

"Sắp xếp các ban QLDA chuyên ngành tại TP đã đạt mục tiêu tinh gọn, nâng chất lượng tham mưu theo lĩnh vực, giảm đầu mối trung gian, nên rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Song, rất nhiều rào cản cho các ban khi mới sáp nhập, do việc hợp nhất thực hiện cơ học nên trong thời gian ngắn khó có thể kiện toàn sắp xếp tinh gọn ngay đúng quy định; nhất là rất nhiều vướng mắc từ những đơn vị cũ, như nhiều HĐLĐ, nhiều dự án tồn đọng chưa thanh quyết toán, hồ sơ thất lạc, trụ sở phân tán gây khó điều hành, kinh phí hạn hẹp, đời sống người lao động rất khó khăn…" - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu


"Qua khảo sát một số đơn vị tại TP cho thấy, khối lượng công việc ngày càng tăng lên nhưng biên chế bị cắt giảm đi nên gây áp lực không nhỏ cho đội ngũ CBCCVC ở các đơn vị, làm ảnh hưởng một phần đến công việc được giao. Trong khi đó, các chế độ chính sách đãi ngộ còn thấp, chưa đảm bảo phù hợp với thực tế để CBCCVC có tâm huyết, trách nhiệm hơn trong thực thi nhiệm vụ, công vụ cũng như gắn bó với công việc được lâu dài." - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Duy Hoàng Dương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần