Thế mạnh từ làng nghề Hà Nội
Hà Nội hiện có 806 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và phân bố hầu khắp các quận, huyện và thị xã. Trong số 321 làng nghề, làng có nghề truyền thống, Hà Nội có 273 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Là một trong những địa phương có số lượng làng nghề, làng có nghề lớn nhất cả nước, Hà Nội luôn được đánh giá là cái nôi sản xuất ra những sản phẩm làng nghề truyền thông đạt chất lượng cao và được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích
Một trong những thế mạnh của các làng nghề, làng có nghề của Hà Nội là thành phố Hà Nội có 806 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận phân bố hầu khắp các quận, huyện và thị xã. Trong 321 làng nghề, làng có nghề, Hà Nội có 273 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Đây chính là điều kiện để Hà Nội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương; đặc biệt là những người dân, nghệ nhân ở các làng nghề.
Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Thời gian qua, các làng nghề, làng nghề truyền thống ở Hà Nội đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương; đồng thời tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô.
Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương
Cần hoàn thiện các chính sách
Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển các làng nghề truyền thống, nhưng thực tế cho thấy tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội hiện đang gặp khó khăn trong khâu cung cấp nguyên liệu, nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm làng nghề và trở thành nỗi trăn trở của các nghệ nhân tại làng nghề, làng có nghề trên địa bàn Thủ đô.
Theo tính toán, nhu cầu nguyên liệu để sản xuất gốm sứ hàng năm của 3 làng nghề: Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan khoảng trên 10.000 tấn đất sét trắng. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu nhập từ các tỉnh trong nước và nhập khẩu. Đối với nhóm nghề mây tre đan, riêng huyện Chương Mỹ mỗi năm tiêu thụ khoảng 600 tấn mây, 700 tấn song và 500.000 cây tre, nứa, giang…
Chia sẻ về khó khăn này, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), cho biết, hiện nguyên liệu mây tre lá cỏ đang có ở địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu cần sử dụng nguyên liệu của thị trường. Do đó, các DN đã tự đi tìm những vùng nguyên liệu để tổ chức thu mua, hướng dẫn kỹ thuật khai thác và xử lý, bảo quản nguồn cung nguyên liệu đảm bảo phục vụ quá trình sản xuất.
Một cái khó nữa là thông tin hai chiều kết nối giữa người sản xuất và người cung ứng nguyên liệu đầu vào còn hạn chế, dẫn đến việc nguồn cung không đáp ứng cầu, do vậy dẫn đến khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ của cả hai bên. Với sự khan hiếm của nguyên liệu, dẫn đến giá thành nguyên liệu tăng cao, tăng chi phí sản xuất sản phẩm, gây khó khăn cho các DN và người sản xuất.
Tương tự, tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phân tích, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và giá nguyên liệu tăng nhanh trong khi giá xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lại khó tăng. Ví dụ ngành gốm sứ, giá đất sét tăng trên 90% trong 5 năm gần đây, giá cao lanh cũng tăng 75%... Do giá nguyên liệu tăng cao nên lợi nhuận của các DN gốm sứ ngày càng giảm.
GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Hà Nội được ví là “đất trăm nghề” và có nhu cầu rất cao về nguồn nguyên liệu, trong khi đó, do đặc thù là Thủ đô, diện tích sản xuất có hạn nên nguyên liệu cơ bản phải nhập từ địa phương khác.
Để gỡ khó cho việc cung ứng nguồn nguyên liệu phát triển làng nghề, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Nhà nước cần phải hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu. Trong đó, dành quỹ đất để xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề nhằm di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào sản xuất tập trung.
Hỗ trợ, khuyến khích các DN, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung trong và ngoài tỉnh để phục vụ sản xuất. Điều chỉnh giảm giá thuê đất đối với các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn trong các cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu sản xuất tập trung phục vụ sản xuất. Đặc biệt là các DN lớn, đầu tư liên kết với nông dân xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất tập trung từ việc trồng, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.