Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các Viện, trung tâm nghiên cứu, các đơn vị có đủ năng lực chuyên môn, tích cực xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường hồ trên địa bàn. Trong năm 2011, các đơn vị đã thực hiện “Xử lý giảm thiểu ô nhiễm nước mặt bằng công nghệ quản lý tổng hợp các thủy vực với sự tham gia của cộng đồng,” áp dụng công nghệ IDRABEL sử dụng các chế phẩm Bio-Vase, Bio-Col phun rải trên bề mặt hồ và các cống thải dẫn nước vào hồ để xử lý các chất ô nhiễm, cho hiệu quả đáng kể. Thành phố còn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý ô nhiễm hồ Trúc Bạch và một số hồ khác, xã hội hóa công tác cải tạo hồ… nhằm đem lại cảnh quan môi trường sạch, đẹp, vệ sinh bền vững. Sau gần 2 năm vào cuộc, đến nay 13 hồ ở Thủ đô đã được xử lý ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả khả quan. Các chỉ tiêu ô nhiễm cơ bản như COD, BOD, tổng Phosphat đã tiệm cận quy định QCVN 08: 2008 và QCVN 24: 2009; chất lượng nước của một số hồ đã đạt chỉ tiêu theo qui chuẩn, nước không còn mùi hôi, các loài thủy sinh tồn tại và phát triển, cảnh quan, môi trường sạch đẹp. Ngay sau khi hoàn thành xử lý ô nhiễm, các hồ được bàn giao cho các đơn vị liên quan tiếp nhận quản lý, duy trì chất lượng nước hồ. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện giám sát, định kỳ quan trắc nhằm theo dõi diễn biến chất lượng nước. Năm 2011, thành phố tiếp tục nhân rộng công nghệ xử lý ô nhiễm nước ở 15 hồ trên địa bàn. Riêng đối với việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã mời các chuyên gia của Nhật Bản, Hàn Quốc tiến hành khảo sát, nghiên cứu để hỗ trợ công nghệ xử lý ô nhiễm nước phù hợp. Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập quy hoạch toàn tuyến sông Tô Lịch để tách nguồn nước thải sinh hoạt đang đổ trực tiếp vào sông đưa về các nhà máy xử lý tập trung là Phú Đô và Yên Xá./.