Hà Nội: Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp hữu cơ

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với định hướng sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội sẽ hình thành thêm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Đây là giải pháp phát triển nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) tương xứng với tiềm năng của Thủ đô.

Giá trị kinh tế cao, phù hợp xu thế phát triển

Nhiều năm qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) kiên trì phương thức canh tác an toàn và đạt được thành công nhất định. Đến nay, số lượng thành viên tham gia HTX đã lên tới 141 người. Quy mô canh tác rau, củ, quả theo hướng hữu cơ được mở rộng lên 35ha.

Cánh đồng lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Ánh
Cánh đồng lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Ánh

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân Hoàng Thị Hậu cho hay, từ việc ứng dụng công nghệ, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, rau hữu cơ đạt chất lượng cao, hiện, HTX đang duy trì hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 12 công ty, 45 điểm bán hàng trên địa bàn TP. Mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 1.000 tấn rau, củ, quả, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng.

“HTX có 18 sản phẩm được UBND TP Hà Nội phân hạng 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, song doanh thu của HTX ước đạt khoảng 4,2 tỷ đồng” - Giám đốc HTX Hoàng Thị Hậu chia sẻ.

Tại huyện Chương Mỹ, cánh đồng lúa hữu cơ 40ha của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú là điển hình phát triển NNHC của Hà Nội. Ngoài lúa hữu cơ, HTX còn trồng đậu tương, khoai lang, khoai tây hữu cơ.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt, với sản phẩm chất lượng an toàn, HTX đã ký hợp đồng cùng các DN phân phối, tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn từ 1,5 lần - 2 lần so với sản phẩm thông thường. Đặc biệt, một số sản phẩm còn được DN xuất khẩu tới các thị trường quốc tế. Sản xuất hữu cơ không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn an toàn cho sức khỏe cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhìn nhận về chương trình phát triển NNHC, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đánh giá, NNHC là hướng phát triển bền vững, tạo ra những sản phẩm an toàn cho cộng đồng. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình NNHC, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận khi vừa phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại, bền vững, vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Đa dạng cách thức hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng sản xuất NNHC phát triển còn manh mún. Đơn cử, trong lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội vẫn chưa có sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa, mới chỉ có các đơn vị thực hiện chăn nuôi chuyển đổi hữu cơ với tổng đàn khoảng 14.600 con lợn, gà, bò…

Bảo quản bưởi hữu cơ sau thu hoạch tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Ánh
Bảo quản bưởi hữu cơ sau thu hoạch tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Ánh

Đáng nói, sản xuất NNHC gặp nhiều khó khăn do chi phí cao gấp 5 - 6 lần so với phương pháp thông thường, sản lượng không cao, giá cả chưa tương xứng… Trong khi đó, trên thị trường vẫn có hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác khiến người tiêu dùng mất niềm tin...

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15/8/2022 về phát triển sản xuất NNHC giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Kế hoạch số 220).

Thông tin về việc triển khai Kế hoạch số 220, ông Chu Phú Mỹ cho biết, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất NNHC với quy trình kỹ thuật tiên tiến, được kiểm soát chặt chẽ; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về NNHC. Các địa phương cần có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ nông dân, HTX, DN theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu.

Với định hướng sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm NNHC thị trường có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Cùng với đó, tăng cường tổ chức hội chợ, ứng dụng internet để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ HTX, DN đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu.

Để triển khai hiệu quả Kế hoạch 220, đại diện một số HTX sản xuất hữu cơ kiến nghị các cơ quan chức năng của TP cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu hơn về nông sản hữu cơ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các HTX, DN không tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ, qua đó tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Song song với đó, các sở, ngành tham mưu cho TP có chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ; cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh NNHC phát triển ổn định.

 

Hiện toàn TP có 2.000ha trồng trọt hữu cơ, 10,1 ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Sản xuất hữu cơ không chỉ nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm nông nghiệp mà còn giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hài hòa với môi trường sinh thái.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần