Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thu ngân sách tiếp tục tăng cao

Hải Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (19/11), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cùng các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 11 để quán triệt Kết luận của Bộ Chính trình về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020; bàn về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018; kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; bổ sung danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020.

Kết quả toàn diện
Thay mặt Ban cán sự Đảng UBND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,5%. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét; thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 207,628 nghìn tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán, tăng 15,8% so thực hiện năm 2016, trong đó, thu nội địa 187,64 nghìn tỷ đồng, bằng 101% dự toán, tăng 16,2%. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 77,262 nghìn tỷ đồng.
Toàn cảnh hội nghị.
Chỉ số PCI tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, cao nhất từ trước tới nay; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; DN kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%. Phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110 nghìn tỷ đồng; vốn đăng ký FDI cả cấp mới và tăng vốn ước đạt 3,356 tỷ USD; tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức PPP (8 dự án đã hoàn thành với vốn đầu tư 13.683 tỷ đồng; 12 dự án đang thực hiện với vốn đầu tư 28.505 tỷ đồng); cấp đăng ký DN cho 25.160 DN, tăng 11%, vốn đăng ký 240 nghìn tỷ đồng (tăng 4%), lũy kế số DN trên địa bàn là 231,92 nghìn DN. TP đang xem xét phê duyệt Kế hoạch khuyến khích hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, cá nhân thành lập DN để phấn đấu đến hết năm 2020 toàn TP có 400 nghìn DN.

TP quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới (NTM). Đã có thêm 2 huyện Thanh Trì, Hoài Đức đạt chuẩn NTM nâng tổng số lên 4 huyện NTM; có thêm 30 xã đạt chuẩn (KH là 22 xã), nâng tổng số lên 285 xã NTM (tỷ lệ 73,8%).

Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị, thực hiện văn minh đô thị cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đã thẩm định, đang bổ sung, hoàn thiện 6 đồ án quy hoạch; triển khai lập 20 đồ án quy hoạch phân khu, 4 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; quy hoạch cải tạo 28 khu chung cư cũ (đã có báo cáo ý tưởng quy hoạch 10 khu); nghiên cứu một số quy hoạch đặc thù; triển khai chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng. Tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới khoảng 11 triệu m2, trong đó nhà ở nhà ở xã hội dự kiến là 60,69 nghìn m2.

Trật tự và văn minh đô thị được quan tâm toàn diện. Rà soát, kiểm tra số lượng các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng. Tích cực kiểm tra các công trình xây dựng; quyết liệt xử lý vi phạm các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" tồn từ trước 2016. Hệ thống cây xanh, thảm cỏ, các công viên, vườn hoa, chiếu sáng thực hiện theo yêu cầu kỹ, mỹ thuật tiên tiến. Tiếp tục thực hiện Chương trình “Một triệu cây xanh”, lũy kế đã trồng được 462 nghìn cây, đạt 46,2% mục tiêu. Thi công hạ ngầm tại 41/56 tuyến phố theo kế hoạch giai đoạn 1, trong đó 16 tuyến cơ bản hoàn thành. Tổ chức thực hiện tốt phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội và thi công các dự án trọng điểm... Sắp xếp điều chuyển 623/681 nốt vận chuyển hành khách liên tỉnh; đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh; cơ bản giải quyết 8/41 điểm ùn tắc giao thông; lấn chiếm lòng đường, vỉa hè được chấn chỉnh, có bước tiến bộ. Thí điểm dịch vụ Iparking trên 2 tuyến phố, đồng thời khảo sát toàn bộ các điểm đỗ xe, tuyến đường để xem xét nhân rộng.

Quản lý đất đai, GPMB tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt; đã cấp GCN quyền sử dụng đất, nhà ở đạt 98,4% và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 100%. Bàn giao 1.000ha đất của 300 dự án GPMB, chi trả 10.000 tỷ đồng và tổ chức tái định cư cho 1.200 hộ gia đình, cá nhân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu báo cáo tại Hội nghị.
Phấn đấu thêm 50 nghìn DN mới

Nhiệm vụ, giải pháp năm 2018, TP xác định tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu thành lập trên 50 nghìn DN (bao gồm hộ sản xuất kinh doanh chuyển thành DN). Tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ cấp phép, thực hiện và giải ngân các dự án. Tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước theo kế hoạch đã duyệt.

Tiếp tục tái cơ cấu ngành công nghiệp, thu hút đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và sản phẩm xuất khẩu; tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Triển khai Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030;...

Chú trọng phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; ổn định cung - cầu; thực hiện tốt quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng và giá cả hàng hóa, sản phẩm thiết yếu. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch; các sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; thực hiện số hóa điểm du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông sản sạch; nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình đã được tổng kết; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ mới. Phấn đấu năm 2018 mỗi huyện, thị xã xây dựng một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; nâng cao năng lực dự báo thị trường. Hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung và phân khu còn lại, 2 quy hoạch đô thị vệ tinh Xuân Mai và Phú Xuyên,...

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường sắt, đường vành đai, các dự án xây dựng trường học, công viên: Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; các đường vành đai 1, 2, 3 và 3,5; khởi công các công trình đầu tư theo hình thức PPP: Quốc lộ 6 (Ba La - Xuân Mai), đường 70. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch trên địa bàn, thủ tục đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Hồng và tiến độ 26 dự án xã hội hóa cấp nước sạch nông thôn.

Tiếp tục thực hiện Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh; trồng bổ sung, thay thế cây xanh, cắt tỉa cây đảm bảo mỹ thuật trên địa bàn. Nâng cao chất lượng công tác quản lý duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng.