Hà Nội tiếp tục xây dựng phương án di dân phố cổ

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội giao UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án di dời dân phố cổ, đồng thời tiến hành lựa chọn nhà đầu tư để hoàn thiện thủ tục triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ.

Đây là nội dung trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm của HĐND TP Hà Nội trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm mới đây. Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phổ cổ được giao nhiệm vụ tiếp tục rà soát, phân loại các trường hợp giãn dân trên địa bàn 10 phường: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ. Việc rà soát này sẽ làm cơ sở để xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc.
Năm 2002, TP Hà Nội lên kế hoạch khởi công xây dựng dự án nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). Tuy nhiên, đến năm 2013 khi giai đoạn 1 dự án nhà ở giãn dân được hoàn thiện thì mới di dời khoảng 7.000 nhân khẩu (khoảng 1.500 hộ dân) đến nơi ở mới, nhu cầu cần di dời còn lai là tương đối lớn, gấp nhiều lần so với quy mô dự án giai đoạn 1.
 Cần diện tích lớn để di dời dân phố cổ Hà Nội (Ảnh minh họa).
Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án nhà ở giãn dân phố cổ sẽ cần quỹ đất để thực hiện xây nhà và chuyển dịch cho khoảng 5.000 hộ dân, việc triển khai dự án giai đoạn 2 sẽ được thực hiện tại các khu đô thị khác do TP bố trí quỹ đất. Phía UBND quận Hoàn Kiếm sẽ ưu tiên di dời các hộ dân đang sinh sống trong các ngôi nhà xuống cấp, sinh sống tại các di tích, trường học, cơ quan - công sở Nhà nước đi trước. Dự kiến vào quý 4/2019 sẽ hoàn thành các phương án triển khai.
Được biết, đề án giãn dân phố cổ được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 1998, với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, dự kiến đề án giãn dân phố cổ Hà Nội sẽ kết thúc vào năm 2020. Nhưng đến thời điểm hiện tại công việc này đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, do các hộ dân ra khỏi khu phố cổ bao gồm nhiều trường hợp chính sách khác nhau, nên việc đưa ra các cơ chế còn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, dự án xây dựng nhà ở giãn dân chưa có số liệu diện tích, giá bán; chưa có cơ chế quy đổi phù hợp để thông báo tới các hộ dân.
Ngoài ra, việc bố trí mặt bằng sạch để triển khai dự án cũng là một vướng mắc trong tình trạng quỹ đất sạch của TP không còn nhiều do phải bố trí cho các công trình hạ tầng, công cộng khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần