Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tìm hướng gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước", sáng 4/5, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tọa đàm với một số DN du lịch tìm giải pháp khắc phục khủng hoảng do tình trạng cá chết ở miền Trung gây ra.

Doanh nghiệp điêu đứng

Mọi năm mùa du lịch biển mang về tiền tỷ cho các hãng lữ hành, nhưng ngay từ đầu vụ 2016, DN không chỉ thất thu mà còn lỗ nặng do ảnh hưởng của tình trạng cá chết ở miền Trung. Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc điều hành Vietrantour cho hay, dịp 30/4 - 1/5 vừa qua, Vietrantour có 350 khách hủy tour miền Trung, nhiều đoàn xin lùi thời gian. Chỉ có 70 khách vẫn theo lịch trình nhưng trong tâm trạng lo lắng và đổi hoàn toàn thực đơn. Cũng theo bà Nguyễn Thị Huyền, các khách sạn miền Trung kiên quyết giữ tiền đặt cọc khoảng 200 triệu đồng của đơn vị này. Đó là chưa kể số tiền Vietrantour đặt vé tàu, máy bay cho khách. Trong khi đó, khách hủy tour đều không muốn chia sẻ một phần lỗ cho DN. Không chỉ khách trong nước lo lắng, theo ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch CLB lữ hành UNESCO Hà Nội, số đoàn khách nước ngoài hủy tour miền Trung rất nhiều và họ theo dõi rất sát tình hình.
Khách tìm hiểu đặt tour du lịch nội địa từ một công ty lữ hành. 	Ảnh: Phạm Hùng
Khách tìm hiểu đặt tour du lịch nội địa từ một công ty lữ hành. Ảnh: Phạm Hùng
Hầu hết các hãng lữ hành đang đau đầu vì khách hủy tour, do sẽ mất 30% tiền đặt cọc khách sạn. Và nguy cơ khách hủy tour miền Trung trong thời gian tới cũng rất cao nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng có những thông tin rõ ràng, minh bạch. Bởi nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng du lịch được đại diện các DN mổ xẻ là bởi các cơ quan chức năng không kịp thời cung cấp những thông tin minh bạch, loạn thông tin từ các phía khiến người dân, du khách hoang mang. Các động thái như lãnh đạo địa phương, bộ, ngành tắm biển, ăn hải sản mới chỉ trấn an du khách. Nếu phía các cơ quan chức năng không sớm đưa ra thông báo chuẩn xác, có sức thuyết phục thì có thể sẽ ảnh hưởng đến cả hoạt động của vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa), vì thực tế, chỉ có 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế xảy ra tình trạng cá chết nhưng du lịch Đà Nẵng, Nghệ An cũng đã "vạ lây".

Phải thông tin minh bạch

Để nhanh chóng lấy lại niềm tin của du khách, đồng thời, tạo cơ sở để các DN đưa khách đến các tỉnh miền Trung, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc TransViet Travel cho rằng, sau khi có phân tích, đánh giá môi trường biển miền Trung, cơ quan chức năng cần đưa ra thông tin rõ ràng, khách quan. Các thông báo về mức độ an toàn của nước biển cũng cần cụ thể: Ngưỡng an toàn là bao nhiêu, hiện chỉ số nước biển các địa phương ở mức nào.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty du lịch quốc tế Ánh Dương cho rằng, sau khi các cơ quan chức năng có kết luận, Sở Du lịch Hà Nội và các địa phương cần có thông tin chính thức trên website của đơn vị để các DN lữ hành căn cứ vào đó cung cấp thông tin cho khách hàng. Mặt khác, Sở Du lịch Hà Nội cần làm việc với các Sở VHTT&DL miền Trung để thành lập tổ công tác hỗ trợ các DN đưa khách đến đây. “Có như thế, DN mới có niềm tin đưa khách đến miền Trung, vì nếu rủi ro cao, không ai muốn đưa khách đến các tỉnh này nữa” - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giới chuyên môn đề xuất ngành du lịch học tập cách khắc phục khủng hoảng du lịch của Hàn Quốc do dịch Mers gây nên. “Sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng, họ đã mời các đoàn famtrip, các công ty du lịch, chuyên gia và báo chí đến khảo sát để quảng bá rộng khắp thông tin an toàn. Mặt khác, Hàn Quốc cam kết hỗ trợ tiền bảo hiểm nếu xảy ra vấn đề. Sau khi khảo sát, có thể hình thành lại tuyến, tour để tiếp tục truyền thông cũng như mời gọi du khách đến các địa phương này” - bà Huyền dẫn chứng.

Còn theo ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc HanoiRedtours: Cái mà du khách cần hiện nay là an toàn và minh bạch. Vì thế các DN, địa phương có thể dùng số tiền kích cầu để đảm bảo an toàn cho khách. Mặt khác, đề nghị Sở Du lịch Hà Nội làm việc với Tổng cục Du lịch và các địa phương cấp chứng nhận và thông báo danh sách các nhà hàng, khách sạn tại các tỉnh miền Trung đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Và thường xuyên có đội ngũ thanh, kiểm tra hoạt động của các đơn vị này. Bên cạnh đó, các DN cũng đề xuất Sở Du lịch Hà Nội có văn bản đề nghị các hãng vận chuyển, các nhà cung cấp dịch vụ không thu tiền đặt cọc của các DN lữ hành khi có khách hủy tour đến các tỉnh miền Trung.

Nhằm chia sẻ khó khăn với các tỉnh miền Trung và DN du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định: Sở sẽ nhanh chóng tổ chức đoàn công tác đến 6 địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng để cùng tìm giải pháp khắc phục khủng hoảng. Sở sẽ có văn bản báo cáo, kiến nghị Tổng cục Du lịch, Sở VHTT&DL 6 tỉnh, thành miền Trung, các hãng vận chuyển hỗ trợ các DN du lịch.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách đến Hà Nội đạt 227.640 lượt; tổng doanh thu đạt 646 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 42.640 lượt, tăng 14%; khách du lịch nội địa ước đạt 185.000 lượt, tăng 11% so với năm 2015. Công suất sử sụng buồng trung bình đạt 56,22%. Khách quốc tế chủ yếu đến từ các thị trường: Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Úc, Trung Quốc, Anh, Đông Nam Á, Đức, Pháp… Mặt khác, các đơn vị cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm nên không xảy ra sự việc nào đáng tiếc.