Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã công bố 7 cơ sở CNMT là: Cơ sở CNMT số 1 Hà Nội, Cơ sở CNMT số 2 Hà Nội, Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội, Cơ sở CNMT số 4 Hà Nội, Cơ sở CNMT số 5 Hà Nội, Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội, Cơ sở CNMT số 7 Hà Nội, được tổ chức lại như sau: Các cơ sở CNMT được kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức hiện có.
Các cơ sở CNMT có 15 nhiệm vụ chính như: tổ chức CNMT cho người bị áp dụng biện pháp vào cơ sở CNMT bắt buộc tại cơ sở; quản lý người nghiện ma túy đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở CNMT bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy.
Đồng thời, các cơ sở CNMT thực hiện việc xác định tình trạng nghiện theo đề nghị của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; cung cấp dịch vụ CNMT đối với người tự nguyện cai nghiện; điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế...
Riêng Cơ sở CNMT số 2 có thêm nhiệm vụ tiếp nhận người nghiện ma túy là nữ; tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS; tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội bị nhiễm HIV/AIDS.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: 7 cơ sở CNMT công lập trực thuộc Sở đã có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ và là các cơ sở đa chức năng gồm: CNMT bắt buộc, CNMT tự nguyện, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone... đảm bảo đúng theo quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022 của Bộ LĐTB&XH.
Năm 2023, Sở LĐTB&XH Hà Nội và Công an TP đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành 3 Nghị quyết quan trọng; trong đó TP đã bố trí nguồn lực để hỗ trợ người cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và các lực lượng phòng, chống ma túy có liên quan từ TP đến cơ sở. Đến nay, các chính sách CNMT của TP đã cơ bản phủ kín, người cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở CNMT trực thuộc Sở LĐTB&XH được TP miễn toàn bộ chi phí trong suốt quá trình cai nghiện, chữa trị tại các cơ sở.
Ông Nguyễn Tây Nam cho rằng đây là thời điểm vàng khi các cơ sở CNMT hội tụ đủ các yếu tố về tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, đội ngũ nhân lực để tiến những bước xa hơn trong xu hướng phát triển mới ở thời kỳ chuyển đổi số. Vì thế, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cần bám sát các chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH và UBND TP Hà Nội để tham mưu xây dựng và triển khai các chính sách mới, đặt biệt là các nhiệm vụ về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau CNMT tại cộng đồng.
Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội khẩn trương nghiên cứu, triển khai áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động tại cơ sở CNMT, trước mắt tập trung vào những nội dung có thể chủ động triển khai được ngay trong năm 2024.
Các cơ sở CNMT chủ động đẩy mạnh các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong hoạt động; nghiên cứu các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác. Cùng với đó, các cơ sở CNMT quan tâm duy trì hoạt động phục vụ, chăm sóc sức khỏe học viên CNMT, xây dựng môi trường CNMT “An toàn – Thân thiện – Chuyên nghiệp – Hiệu quả”; chủ động giới thiệu về hoạt động của đơn vị để thu hút người vào cai nghiện tự nguyện...
Đại diện cho 7 đơn vị nhận quyết định của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Cơ sở CNMT số 4 Hà Nội Phạm Đình Giang chia sẻ: ngay từ khi có quyết định của UBND TP Hà Nội, các cơ sở đã tập trung tuyên truyền có hiệu quả những nội dung về việc tổ chức lại các cơ sở. Bên cạnh đó, các cơ sở xây dựng lại quy chế làm việc, quy định về chức năng, nhiệm vụ các phòng ban, hoàn thiện đề án vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm vụ mới; tách, chuyển các phòng ban; rà soát cơ sở vật chất, sắp xếp vị trí việc làm, bộ máy tổ chức các chức danh lãnh đạo, quản lý, viên chức, người lao động.
Đối với các Cơ sở CNMT số 1, 3, 4 được bổ sung thêm nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chữa bệnh cho người cai nghiện tự nguyện. Để thực hiện những nhiệm vụ mới, các đơn vị đã, đang và sẽ luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, coi người cai nghiện là bệnh nhân, là khách hàng để phục vụ... Đồng thời, các đơn vị tổ chức tốt công tác tư vấn, tuyên truyền; thực hiện đúng hướng dẫn, quy trình điều trị; xây dựng kế hoạch can thiệp, trị liệu nhóm và các hỗ trợ về tâm lý, xã hội thích hợp, có những chính sách học nghề hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng phù hợp...