Qua thời gian, các em đã có thay đổi tích cực, có kỹ năng tự phục vụ bản thân, biết xin lỗi bố mẹ.
Sự hối hận của những trẻ vị thành niên
Cơ sở CNMT số 2 Hà Nội hiện đang quản lý 19 trẻ vị thành niên đã từng sử dụng ma túy do sự thiếu hiểu biết, bạn bè rủ rê, lôi kéo và bản thân hiếu kỳ. Một số gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn hoặc sống ly thân nên trẻ vị thành niên sống cùng ông bà, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục từ gia đình.
Vừa kết thúc giờ lao động trị liệu nhặt tóc rối, em Th.Tr. (sinh năm 2005) đang sinh hoạt tại Đội 2, chia sẻ về quá trình sử dụng ma túy và điều trị cai nghiện. Gia đình em Tr. sống ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), bố làm quản lý kho hàng, mẹ mở tiệm gội đầu nên bận suốt ngày, Tr. đi học về nhà có một mình nên em buồn chán vì ở nhà không có ai để chia sẻ, đã nghe lời bạn bè rủ rê đi chơi… Học hết lớp 9, em nghỉ học và cách đây 2 năm em đã sử dụng cần sa, kẹo ke khi đi sinh nhật bạn…
“Lúc đầu, em biết mình dùng cần sa, kẹo ke nhưng không hiểu tác hại của nó; hơn một năm sau bố mẹ biết và đưa em vào đây. Tại Cơ sở, em được các cán bộ điều trị, tuyên truyền về tác hại của ma túy, lợi ích của một cuộc sống không ma túy và đọc các loại sách, tổ chức lao động trị liệu… Tháng nào bố mẹ em cũng vào thăm và mang theo các loại sách về kỹ năng sống. Em đã đọc sách và suy nghĩ về bản thân nhiều hơn, nhận ra mình lãng phí gần 3 năm làm những việc nguy hại khiến mọi người buồn lòng” - Th.Tr. chia sẻ. Ba tháng nữa, Th.Tr. hết thời hạn cai nghiện và có dự định sẽ tham gia khóa học kinh doanh trên mạng để bán mỹ phẩm, buổi tối phụ mẹ ở tiệm gội đầu để thay đổi bản thân.
Ng.Th.D. đến từ huyện Mê Linh đang ở tuổi 16 nhưng đã có 2 năm sử dụng
ketamin, kẹo ke và thuốc lắc. Th.D. thích cuộc sống tự do, ham chơi nên khi đang học lớp 10 tại Trung tâm GDTX huyện Mê Linh thì bị đuổi học. “Để có tiền mua kẹo ke, thuốc lắc, cháu đã mang các xe máy của nhà đi cầm cố. Khi vào Cơ sở, sau thời gian cai cắt cơn 15 ngày, cháu được đưa xuống đội rèn luyện, lao động trị liệu gấp hộp giấy.
Từ một người chỉ biết chơi bời, không phải làm việc thì khi vào đây cháu được các thầy cô hướng dẫn và biết cách dọn phòng, quét sân, giặt giũ quần áo, gấp túi giấy. Cháu dần có sự thay đổi, biết suy nghĩ. Hôm trước lần đầu tiên trong cuộc đời cháu đã biết nói lời xin lỗi bố vì đã làm cha mẹ buồn và tiêu tốn nhiều tiền của. Cháu mong ước khi hết thời hạn cai nghiện sẽ đi học nghề cắt tóc hoặc phụ mẹ bán hàng giải khát và xin đi học trở lại” - Th.D bộc bạch.
Trẻ thay đổi nhận thức, được rèn kỹ năng
Cơ sở CNMT số 2 Hà Nội có chức năng tiếp nhận, quản lý, điều trị cai nghiện (bắt buộc, tự nguyện) cho trẻ vị thành niên từ 12 đến dưới 18 tuổi, từ ngày 1/1/2023. Tính đến ngày 30/10/2023, Cơ sở tiếp nhận 37 trẻ vị thành niên; đã bàn giao hết hạn 22 lượt trẻ, hiện đang quản lý 19 trẻ (trẻ ít tuổi nhất sinh năm 2009). Phó Giám đốc Cơ sở CNMT số 2 Hà Nội Nguyễn Trọng Đức cho biết: "Chúng tôi bố trí cho các bạn trẻ vị thành niên chỗ ăn, chỗ ở và nơi sinh hoạt riêng để bảo đảm sức khỏe và tinh thần; đồng thời, thực hiện điều trị cai nghiện cho trẻ vẫn theo quy trình 5 bước".
Tại nơi đây, trẻ vị thành niên được quan tâm hơn từ công tác điều trị, cai nghiện phục hồi, giáo dục, rèn luyện, hướng nghiệp, học nghề… Các em còn tham gia các hoạt động và thấy được những giá trị của công việc mình làm, sự vất vả trong lao động để có sự suy nghĩ, thay đổi về cách ứng xử, sinh hoạt, cách sống.
“Với quan điểm phải làm cho trẻ vị thành niên thay đổi suy nghĩ, nhận thức được giá trị sống lành mạnh nên Ban Giám đốc đã quán triệt đến cán bộ, công nhân viên phải có tư duy và quan tâm tích cực đối với các bạn trẻ. Hằng ngày đội ngũ cán bộ, thầy cô thường xuyên gần gũi trẻ, chia sẻ, động viên; hướng dẫn cách sinh hoạt, học hành, tham gia những hoạt động chung trong đội. Qua đó để trẻ thấy được cán bộ, công nhân viên là những người thân, có thể giúp thay đổi suy nghĩ và làm việc tích cực” - ông Nguyễn Trọng Đức nhấn mạnh.
Kết quả là Cơ sở đã trang bị được cho trẻ các giá trị đạo đức, giáo dục kỹ năng sống để các em có hành trang tốt nhất vững bước trên con đường tương lai. Qua thời gian điều trị cai nghiện tại Cơ sở, trẻ có những thay đổi tích cực về nhận thức. Các em đã dần thích nghi hòa nhập, có ý thức trong sinh hoạt tập thể, học tập, lao động. Các em có kỹ năng tự phục vụ bản thân, chủ động trong sinh hoạt, tham gia vào các hoạt động trị liệu như lao động sản xuất, học văn hóa, tư vấn và những hoạt động khác do Cơ sở tổ chức.
Từ công tác lao động trị liệu 1 - 3 tiếng/ngày như gấp túi giấy, nhặt tóc rối..., học viên luôn có ý thức chấp hành và các sản phẩm làm ra đều đạt chất lượng, hiệu quả. Số tiền thu được từ sản phẩm học viên làm ra sẽ được Cơ sở tổ chức cho liên hoan để khích lệ và động viên tinh thần. Qua những buổi lao động như thế, trẻ cũng nhận thức được giá trị của lao động, biết quý trọng thời gian, công sức, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm.
Phó Giám đốc Cơ sở CNMT số 2 Hà Nội Nguyễn Trọng Đức cho biết, khi các trẻ vị thành niên đến cai nghiện tự nguyện, bắt buộc xong thì đơn vị đều có ý kiến về địa phương tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Ví dụ như tổ chức cho các bạn tham gia vào Câu lạc bộ B93, liên hệ với nhà trường, trung tâm để tiếp tục được đi học văn hóa, học nghề, tạo việc làm để thay đổi cuộc sống.