Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội triển khai hiệu quả nhiều đề án đảm bảo an toàn thực phẩm

Bảo Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Đó là một nội dung được nhấn mạnh trong báo cáo số 35 UBND TP vừa ban hành về kết quả công tác bảo đảm ATTP.

 Hà Nội triển khai hiệu quả nhiều đề án đảm bảo an toàn thực phẩm
Trong năm qua, TP tiếp tục triển khai công tác kiểm soát ATTP thức ăn đường phố và duy trì mô hình điểm thức ăn đường phố tại tuyến phố Núi Trúc, quận Ba Đình và phường Trung Liệt, quận Đống Đa; bảo đảm ATTP tại 30 tuyến phố văn minh. Thí điểm tuyến phố tập trung ATTP có kiểm soát tại quận Thanh Xuân và Long Biên; kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại 4 quận, huyện; mô hình cảnh báo nhanh ATTP tại quận Bắc Từ Liêm… Đồng thời, xây dựng thí điểm tuyến phố ATTP có kiểm soát tại quận Thanh Xuân và Long Biên.
TP cũng đã rà soát, quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn. Phát triển mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi thông qua các chương trình, đề án: Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản... Từ đó, đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao với 157 cánh đồng mẫu lớn ở 14 huyện; 5.500ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.232 trang trại ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (1.690ha). Duy trì 60 chuỗi liên kết ATTP (27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi nguồn gốc trồng trọt) trong đó 7 chuỗi rau, thịt với 6 cơ sở mở 11 địa điểm bán được xác nhận sản phẩm an toàn. Phối hợp với các tỉnh triển khai mô hình quản lý ATTP theo chuỗi như: Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Hòa Bình và Sơn La với hệ thống cửa hàng, siêu thị Biggreen, Fivimart; chuỗi thịt gà DaBaCo Bắc Ninh... Triển khai thực hiện chương trình “Bữa ăn an toàn” và xây dựng trang thương mại điện tử “buaanantoan.vn”.

UBND TP cũng cho biết, hiện Hà Nội có 48 cơ sở sơ chế RAT cũng là 48 chuỗi tiêu thụ RAT theo liên kết dọc. Rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ thông qua 18 DN, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm (chiếm 5% sản lượng rau an toàn, 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng). Rau an toàn chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư cũng có sản lượng trên 370.000 tấn/năm (chiếm 92,5% sản lượng rau an toàn; 61,67% sản lượng rau; 37% nhu cầu tiêu dùng).

Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội” sau khi được triển khai, Sở Công Thương và 12 quận đã triển khai đến 1.078 cửa hàng kinh doanh trái cây. Cùng với đó, xây dựng triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn bằng công nghệ thông minh. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh của 550 sản phẩm ATTP. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại và một số cửa hàng, đại lý trên địa bàn có ứng dụng phần mềm mã vạch, mã hóa sản phẩm để tính tiền tự động QR code. Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh đang được thực hiện trên một số loại sản phẩm tại siêu thị Metro, Fivimart, một số sản phẩm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP...