Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lớn như vậy nên vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội luôn được đặc biệt quan tâm.
Tại hội nghị, Phó Trưởng phòng PC03 Công an TP Hà Nội - Thượng tá Vũ Thị Hoàng Yến cho biết, tronv tháng hành động vì ATTP năm 2023, Công an Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra, phối hợp kiểm tra 225 vụ, với 225 đối tượng vi phạm, xử phạt hành chính 225 vụ, thu nộp ngân sách trên 900 triệu đồng…
Năm 2023, TP đã tập huấn trực tiếp (140 lớp với 13.500 người) là chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm. Phát 98.870 tờ rơi tuyên truyền về ATTP, in 1000 cuốn bản tin và các ấn phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Các cơ quan báo chí của Trung ương và TP (Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế & Đô thị...) đã đưa hàng ngàn tin bài, phóng sự... tuyên truyền về ATTP. Tổ chức hội nghị, lễ phát động tháng hành động vì ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn với 13.318 người tham dự. Tổ chức 609 buổi tập huấn cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng với tổng số 46.525 lượt người tham gia.
TP cũng thành lập 699 đoàn thanh tra, kiểm tra, với số cơ sở được kiểm tra là 18.822, trong có 16.106 cơ sở đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 85,3%. Số cơ sơ vi phạm là 2.776, trong đó cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP là 944.
Tuy nhiên trên địa bàn TP vẫn còn một số cơ sở vì lợi nhuận trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo ATTP. Người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua thực phẩm bán rong và mua bán tại các chợ dân sinh….
Năm 2024, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5).
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, cùng với các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Tháng hành động tập trung xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.
Ngoài 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra. Riêng ngành Y tế chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp…
Để Tháng hành động mang lại hiệu quả, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long đề nghị, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội lưu ý việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, đặc biệt là hình thức kinh doanh online (trực tuyến).
Theo ông Nguyễn Hùng Long, hình thức kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến. Lượng hàng kinh doanh qua hình thức này, trong đó có thực phẩm, ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn và thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng. Vì vậy, các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được thay đổi để phù hợp.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP khẳng định, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề rất được quan tâm. Thêm vào đó, phương thức vi phạm cũng ngày càng tinh vi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng có liên quan nhằm ngăn ngừa, xử lý.
Trước thực tế đó, ngày 4/4, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 105/KH-UBND triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các quận, huyện, thị xã ban hành kế hoạch và tổ chức phát động triển khai thực hiện Tháng hành động trước ngày 18/4.
Về công tác thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà yêu cầu, phải bảo đảm thực chất; kiểm tra đột xuất, tuyệt đối nghiêm cấm kiểm tra báo trước. Đặc biệt, công tác kiểm tra tập trung vào các địa bàn, cơ sở dễ phát sinh sai phạm. Quá trình kiểm tra phải bảo đảm “triệt để”, qua đó có biện pháp xử lý.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát lại việc thiết lập và công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Các đoàn kiểm tra báo cáo kết quả cụ thể hằng tuần để có kế hoạch phối hợp liên ngành, huy động cả lực lượng công an vào cuộc nếu cần thiết.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà nhấn mạnh vai trò công tác tuyên truyền trong quá trình triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cả cơ quan quản lý…
Cùng với các hình thức tuyên truyền qua loa phát thanh, phát tờ rơi, cần đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để thông tin đến người dân rộng rãi hơn, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cùng với việc phát hiện và xử phạt, các đơn vị công khai vi phạm (tên, địa chỉ, nội dung vi phạm…) để có sức răn đe.
“Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần truyền thông, giới thiệu những mô hình hiệu quả trong kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm” - Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà lưu ý.