Hà Nội trồng được hơn 67.700 cây xanh trong 6 tháng đầu năm 2020

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, toàn TP đã trồng được hơn 67.700 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ (chưa bao gồm 1.637 cây đơn lẻ khóm và 1.841m2 cây mảng, thảm cỏ). Lũy kế từ 2016 đến nay, toàn TP đã trồng được hơn 1.530.000 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ, đạt 95,6% kế hoạch TP giao.

Hệ thống cây xanh trên đường Võ Chí Công phát triển tươi tốt.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết đã tiếp nhận, tổ chức trồng 650 cây hoa Anh đào tại Công viên Hòa Bình do Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam tặng và hướng dẫn Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank tổ chức trồng cây tặng tại khu vực nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; phối hợp Vườn quốc gia Ba Vì chuyển giao và tiếp nhận 2.000 cây Tổ chim (Aslenium nidus) có nguồn gốc từ Vườn quốc gia Ba Vì cho TP Hà Nội để tăng thêm tính đa dạng, phong phú loài cây và làm đẹp cảnh quan, mỹ quan đô thị.
Theo Sở Xây dựng, công tác trồng mới và cải tạo, thay thế hệ thống cây xanh đô thị về cơ bản được thực hiện bài bản, bắt đầu từ công tác khảo sát, thiết kế, lập phương án, phê duyệt, thi công, duy trì với phương châm: “Đẹp - Đồng đều - Đa dạng”.
Trên địa bàn TP Hà Nội, ngày càng nhiều các tuyến đường được đầu tư cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung hoàn thiện hệ thống cây xanh với mô hình trồng cây đa tầng, tán như: Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Kim Mã, Giảng Võ, Điện Biên Phủ, Văn Cao, Liễu Giai, Láng Hạ, Xã Đàn, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Cổ Linh, Nguyễn Khánh Toàn, đường Láng... bước đầu đã cho những kết quả nhất định về không gian xanh, tạo mỹ quan, cảnh quan đồng bộ...
Liên quan đến kế hoạch cắt tỉa, chặt hạ cây có nguy cơ gẫy đổ trước và trong mùa mưa bão 2020, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết ngay từ đầu năm, Sở Xây dựng đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đôn đốc, phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn; rà soát hệ thống cây bóng mát, triển khai cắt tỉa ngay những cây có nguy cơ gãy đổ cao.
Sở Xây dựng cũng đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện quản lý, duy trì cây bóng mát trên địa bàn theo phân cấp, rà soát, kịp thời cắt sửa cây có cành ảnh hưởng đến giao thông, nặng tán, chặt hạ cây sâu mục…
Trong 6 tháng đầu năm, tại địa bàn 12 quận nội thành, tuyến đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, nút giao vành đai 3 với quốc lộ 5, tuyến đường Liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, Đại lộ Thăng Long… Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã thực hiện cắt tỉa 18.925 cây/184 tuyến phố, 2 vườn hoa, tăng so với cùng kỳ năm 2019 cắt 12.491 cây/159 tuyến phố. Tại địa bàn 17 huyện và thị xã Sơn Tây đã thực hiện cắt tỉa 19.276 cây/68 tuyến, tăng so với cùng kỳ năm 2019 cắt 12.758 cây/62 tuyến đường.
Để chủ động trong trường hợp mưa bão xảy ra, Sở Xây dựng đã lập phương án ứng phó khắc phục sự cố cây gãy, đổ. Theo đó, khi nhận được thông tin, cán bộ trực của Ban duy tu các công trình hệ thống kỹ thuật đô thị và các công ty được giao nhiệm vụ quản lý, duy tu, duy trì cây xanh cần ghi chép đầy, đủ, phản ánh tình trạng cây gãy đổ, đường kính chủng loại địa điểm nơi cây đổ, gãy cành theo từng địa bàn để xử lý kịp thời, chuẩn xác.
Việc cắt tỉa cây được thực hiện thường xuyên, định kỳ, đúng quy định nhằm hạn chế thấp nhất cây gãy đổ gây nguy hiểm đến người và tài sản; trong đó, cắt tỉa cây được phân thành 2 loại cắt vén tán, nâng vòm lá, cắt cành khô và cắt làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao.
TP tiếp tục chú trọng việc thực hiện quản lý, chăm sóc, rà soát cắt tỉa bảo đảm an toàn và tạo cảnh quan; chặt hạ cây có nguy cơ gãy đổ, bảo đảm an toàn cây xanh cây xanh trong những đợt mưa bão, giông lốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần