Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Trực 24/24 giờ ứng phó khi hồ chứa xả lũ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội đã ban hành Công điện số 04/CĐ-BCH yêu cầu UBND các đơn vị liên quan chủ động đối phó với lũ lớn trên hệ thống sông Đà, sông Hồng, sông Đuống.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã dọc sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền về việc xả lũ các hồ chứa; chủ động đảm bảo an toàn khi có xả lũ trên hệ thống sông Đà, sông Hồng, sông Đuống; thông báo cho Nhân dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; tăng cường kiểm tra, kiên quyết sơ tán Nhân dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực bãi giữa. Quan tâm việc cảnh báo về đảm bảo an toàn cho Nhân dân khi nước sông dâng cao do xả lũ sẽ xuất hiện nguy cơ về tập trung rắn rết, côn trùng có thể gây chết người cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống, đặc biệt là vùng bãi.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT TP và Ban Chỉ huy TKCN TP cùng các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương thông báo thường xuyên về tình hình xả lũ và mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống trong và sau thời gian xả lũ, để Nhân dân biết và sẵn sàng đối phó. Yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông...; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.
Kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các đò ngang, đò dọc các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn; Có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của nhà nước và Nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện. Tăng cường kiểm tra đê, kè, cống, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng về đê điều; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP Hà Nội sẵn sàng lực lượng phương tiện để kịp thời ứng cứu khi xảy ra các sự cố trong lúc xả lũ; Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế của các quận, huyện dọc sông Đà, sông Hồng, sông Đuống sẵn sàng thuốc men và lực lượng y bác sĩ để xử lý kịp thời các trường hợp do côn trùng gây hại và ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường; Sở LĐ, TB&XH có phương án hỗ trợ cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo ở ven sông, bãi sông. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội rà soát, kiểm tra hệ thống đường dây và trạm biến áp ở các khu vực ngoài đê và các bãi để đảm bảo an toàn về điện.
Sở NN&PTNT (cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP) nắm chắc về diễn biến việc xả lũ (thời gian, mức nước dự kiến dâng khi xả lũ) để tham mưu kịp thời cho UBND TP, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP trong chỉ đạo, xử lý việc xả lũ xuống hạ du của các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Trong quá trình các hồ chứa xả lũ, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ mọi thông tin về xả lũ để chủ động xử lý kịp thời các tình huống xảy ra và báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT TP.