Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ưu tiên những dịch vụ công trực tuyến dễ triển khai

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Báo cáo số 27/BC-UBND về tình hình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong năm 2016, đồng thời đăng ký danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện năm 2017.

Theo đó, ngày 31/7/2016, thành phố đã tổ chức khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ egov.hanoi.gov.vn và cung cấp chính thức 7 dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực tư pháp (khai sinh, khai tử), liên thông với ngành Công an và Bảo hiểm Xã hội.
Đến 31/12/2016, các dịch vụ công trực tuyến triển khai năm 2016 đã hoàn thành để đưa vào phục vụ công dân, doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt, thành phố đã tổ chức triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp đến tất cả 584 xã, phường, thị trấn, tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng trên toàn thành phố (bao gồm hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND xã, phường, thị trấn) đạt trên 70%.

Các dịch vụ công khác triển khai trong giai đoạn trước đây được duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động như: Đăng ký kinh doanh qua mạng đạt trên 50%, cấp lý lịch tư pháp qua mạng đạt tỷ lệ trên 10%; cấp giấy phép lái xe đạt tỷ lệ khoảng 10%.

Về đăng ký danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện năm 2017: Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 26/4/2016 về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính. Theo đó, trong năm 2017, thành phố sẽ đạt tối thiểu 40% thủ tục hành chính của sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Qua thực tế triển khai năm 2016, do các thủ tục hành chính thay đổi, rà soát thường xuyên, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phải qua rất nhiều bước: Rà soát danh mục thủ tục để lựa chọn, khảo sát chi tiết và đánh giá sự hợp lý, hiệu quả cũng như khó khăn khi triển khai đối với từng dịch vụ công.

Hiện tại, các dịch vụ công được thực hiện tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đang được thành phố rà soát, trong đó ưu tiên những dịch vụ công dễ triển khai và có lượng hồ sơ giao dịch lớn, đặc biệt, tập trung vào một số lĩnh vực liên quan đến người dân: Y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, tư pháp, xây dựng, giao thông...