Điểm sáng tăng trưởng kinh tếTrong Quy hoạch phát triển Du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND TP phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020, đưa Du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Sở Du lịch đã tham mưu cho UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy thông qua Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 và Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 11/11/2016 của UBND TP triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.
Dịp Tết Dương lịch 2016, Hà Nội tổ chức lễ đón vị khách quốc tế đầu tiên đến Thủ đô tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Vào thời điểm ấy, Hà Nội phấn đấu đón 21,2 triệu lượt người (tăng 6,7% so với năm 2015), trong đó khách quốc tế khoảng 3,8 triệu lượt người (tăng 12%), khách nội địa đạt 17,4 triệu lượt người (tăng 5,9%). Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 60.000 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2015. Đây được xem là mục tiêu khá cao so với mốc năm 2015, Hà Nội đón 19,7 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội đạt gần 3,3 triệu lượt, khách nội địa ước đạt 16,4 triệu lượt; tổng thu từ du khách ước đạt 55,5 tỷ đồng. Nhưng năm 2016, ngành du lịch Hà Nội đã về đích sớm từ tháng 10 và lần đầu tiên đón 4 triệu lượt khách nước ngoài, tăng trưởng khoảng 23%. Cùng với đó, có 17,8 triệu lượt khách du lịch trong nước đến với Thủ đô. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 62,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015.Hiện, khách nội địa đến Hà Nội chiếm khoảng 30% tổng lượng khách đi lại giữa các địa phương trong toàn quốc. Khách quốc tế chiếm khoảng 40% so với lượng khách đến Việt Nam. Khoảng 80% khách quốc tế đến Hà Nội với mục đích nghỉ dưỡng, du lịch; 20% đến vì công việc. Khách đến Hà Nội có lưu trú ngày càng tăng, với khoảng 2,9 triệu người, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch Việt Nam và bức tranh kinh tế - xã hội Hà Nội.Giữ chân khách tốt hơnKết quả đáng tự hào đó có được là bởi năm 2106, TP đã quan tâm đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế xanh. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành được bổ sung, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, đa dạng hóa các hình thức đầu tư… Song song với khai thác thế mạnh vốn có về du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch làng nghề được tạo “đòn bẩy” qua Thi tuyển phương án kiến trúc Làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc. Đặc biệt, ngày 2/9, Hà Nội động thổ dự án Công viên Kim Quy đẳng cấp quốc tế đầu tiên của Thủ đô bằng nguồn vốn xã hội hóa. Năm 2016, Hà Nội còn tạo thêm nhiều điểm đến mới, trong đó nổi bật nhất là không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Trung bình, có khoảng 18.000 – 25.000 người/ngày đến phố đi bộ. Hoạt động của phố đi bộ tác động rõ đến du lịch quận Hoàn Kiếm với khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015.Cùng với đó, năm 2016, ngành du lịch Thủ đô liên tục có những đổi mới trong hoạt động, từ việc xây dựng các tour, tuyến mới; cải thiện chất lượng dịch vụ; đến tăng cường quảng bá... Ngay từ đầu năm, Hà Nội tổ chức Chương trình “Ký ức Hà Nội”, đón 12 vạn lượt khách. Tháng 10, Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội - Việt Nam 2016 đã được thay đổi cả về nội dung và hình thức, được người dân và du khách đánh giá cao. Đặc biệt, Chương trình “Festival Áo dài Hà Nội 2016” đã thu hút hơn 30 vạn lượt khách. Đây là lần đầu Hà Nội khai thác áo dài như một sản phẩm du lịch, tiến tới xây dựng Hà Nội thành trung tâm thời trang. Hậu Festival Áo dài Hà Nội 2016, giữa tháng 12, Sở Du lịch Hà Nội đã chính thức công nhận Lan Hương Fashion house (số 18 phố Âu Cơ, quận Tây Hồ) đạt tiêu chuẩn điểm đến du lịch áo dài đầu tiên trên địa bàn với tên gọi “Không gian Áo dài Việt”. Bên cạnh 3 sự kiện lớn, tháng 6/2016, Sở Du lịch phối hợp với các DN du lịch xây dựng sản phẩm “Cảm xúc Hà Nội”. Đầu tháng 10, Sở cùng Công ty CP Du lịch Việt Nam – Hà Nội tổ chức lễ khai trương Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tại 28 Hàng Dầu và tour miễn phí đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội…Đẩy mạnh liên kếtTất cả không chỉ tạo thêm điểm nhấn cho ngành công nghiệp không khói mà còn giúp Hà Nội giữ chân du khách tốt hơn. Đồng thời, hình ảnh, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được nâng cao trong mắt du khách và báo giới nước ngoài. Năm 2016, Tạp chí Du lịch trực tuyến Smart Travel (có uy tín nhất khu vực châu Á) bình chọn Hà Nội là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Tạp chí du lịch Trip Avisor bình chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ 8 thế giới. Trang Telegraph (Anh) xếp Hà Nội đứng đầu trong danh sách các TP có nền ẩm thực ấn tượng nhất thế giới. Cuối tháng 9, với tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch đạt 11,64% mỗi năm, Hà Nội được xếp thứ 13/20 điểm đến tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới do Mastercard xếp hạng.
Cùng với việc mở thêm các điểm đến, tour mới, TP đã từng bước nâng cao chất lượng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Cụ thể, mở 8 lớp bồi dưỡng đào tạo 530 lượt cán bộ du lịch, người dân làng nghề; bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho 200 lái xe và nhân viên vận chuyển khách du lịch. Phối hợp với Thành đoàn Hà Nội thực hiện chương trình “Mỗi đoàn viên thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực về du lịch Hà Nội” với sự tham gia của 300 sinh viên. Cùng với đó, Sở đã chủ động làm việc với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP nhằm tăng cường phát triển du lịch tại các địa phương trong năm 2016 và những năm tiếp theo; ký kết chương trình Hợp tác phát triển du lịch năm 2016 và những năm tiếp theo với 25 tỉnh, TP trên cả nước thường xuyên có khách qua lại giữa các bên; tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các TP có ngành kinh tế xanh phát triển nhất thế giớiSở Du lịch Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất để thu hút du khách là phải tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng của Thủ đô và dịch vụ hoàn chỉnh, ấn tượng. Chính vì vậy, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết với các cấp, ngành, tổ chức, DN, nghiên cứu kỹ nhu cầu của từng thị trường khách. Từ đó tiếp tục xây dựng các tour mới, có chất lượng; nâng cấp điểm đến tại một số di sản văn hóa trên địa bàn; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, khai thác không gian cảnh quan và mặt nước Hồ Tây... Cùng với đó, ngành Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá du lịch trên mạng tin tức Truyền hình cáp CNN (Mỹ); tham gia các hội chợ du lịch quốc tế như: ITB Berline, Hội chợ du lịch Bắc Kinh (Trung Quốc); JATA tại Nhật; Top RESA tại Pháp; IMEX America (Mỹ); WTM London (Anh);… và tổ chức hoặc tham gia các hội chợ, hội nghị, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước nhằm thu hút du khách đến với Hà Nội. Ngoài ra, Sở sẽ thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch khác nhằm đạt mục tiêu của năm 2017 là đón 23,39 triệu lượt khách, tăng 11,08% so với năm 2016. Trong đó, có 4,08 triệu khách quốc tế và 19,31 triệu khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 66.053 tỷ đồng, tăng 7,12% so với năm 2016.