Hà Nội xử lý hình sự đối tượng bảo kê chăn dắt người lang thang

Thủy Trúc - Hoàng Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để công tác tập trung người lang thang xin ăn, xin tiền đạt hiệu quả tốt hơn thì rất cần các sở ngành phát huy vai trò trách nhiệm, địa phương chủ động vào cuộc; xử lý hình sự đối tượng bảo kê chăn dắt người lang thang xin ăn. xin tiền.

Ngày 17/8, Hội nghị Triển khai Quyết định số 2252/QĐ-UBND của UBND Thành phố về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội, đã được Sở LĐTB&XH phối hợp với Công an TP, Sở Y tế, Sở VH&TT, Sở Du lịch tổ chức tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, cách đây hơn 10 năm, xung quanh quận Hoàn Kiếm có hiện tượng người lang thang xin ăn, xin tiền, chèo kéo khách. Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 6053/QĐ-UBND và triển khai thực hiện thì hiện tượng này cơ bản được giải quyết.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân trả lời các ý kiến về thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn Hà Nội.  
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân trả lời các ý kiến về thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn Hà Nội.  

Thực hiện Quyết định 6053/QĐ-UBND, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã thành lập 3 Đội Trật tự xã hội lưu động để tập trung người lang thang xin ăn, xin tiền. Tuy nhiên, vấn đề tập trung người lang thang xin tiền rất khó khăn, vì có đối tượng bảo kê đóng giả grab, ngồi quán nước theo dõi người xin tiền,… Khi đối tượng nhìn thấy người của Đội Trật tự xã hội lưu động đến thì báo hiệu ngay cho người lang thang xin ăn, xin tiền và đưa lên xe grab chở đi.

UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2252/QĐ-UBND thì đã phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Sau 4 tháng thực hiện Quyết định số 2252/QĐ-UBND, công tác tập trung người lang thang đã mang lại những kết quả tích cực, số lượng người lang thang được tập trung nhiều hơn trước. Công an TP Hà Nội đã xử lý 3 vụ hình sự liên quan đến xin ăn, xin tiền.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã gặp những bất cập, vướng mắc mà Quyết định số 2252/QĐ-UBND chưa phổ cập hết. Đội trưởng Đội Công tác xã hội lưu động thuộc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Nguyễn Văn Hải cho hay: Từ tháng 1/2023 đến hết tháng 7/2023, Trung tâm đã đi tập trung và tiếp nhận 281 đối tượng, trong đó người lang thang có hành vi xin ăn, xin tiền (kể cả người đi cùng) chiếm số lượng nhiều nhất là 276 người. Người có hành vi xin ăn, xin tiền khi vào trung tâm bảo trợ xã hội được nuôi tối đa 3 tháng.

Trong công tác phối hợp giải quyết người lang thang vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc. Sự vào cuộc của xã, phường, thị trấn trong công tác giải quyết người lang thang chưa cao, chưa thường xuyên (65/281 đối tượng)…

Để công tác tập trung người lang thang đạt hiệu quả hơn, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em đề nghị UBND quận, huyện, thị xã và phòng LĐTBXH chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ động hơn trong công tác kiểm tra, rà soát địa bàn, phát hiện và tập trung người lang thang.

Trung tâm Cấp cứu 115 phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm trong công tác tiếp nhận, điều trị ổn định sức khỏe cho người tâm thần lang thang, người lang thang ốm yếu, sức khỏe suy kiệt trước khi bàn giao cho các cơ sở trợ giúp xã hội.

Hiện nay, đối tượng bảo kê manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em rất mong Công an TP Hà Nội quan tâm phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn kỹ năng tập trung người lang thang cho viên chức, người lao động trong các cơ sở trợ giúp xã hội và cán bộ các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội hoặc chuyển hồ sơ có dấu hiệu vi phạm hình sự đối với các đối tượng bảo kê, chăn dắt người xin ăn để trục lợi.

Để giải quyết được tình trạng người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề xuất: Thành lập tổ công tác TP, có đường dây nóng từ các ngành đến cấp xã, phường, thị trấn; có chế độ báo cáo thông tin hàng tuần; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng từng mô hình. Hàng tháng, nếu đơn vị nào có thành tích tập trung người lang thang thì được Chủ tịch UBND TP tặng Bằng khen.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm đề nghị: Khi Ban quản lý di tích cấp quận, tiểu ban quản lý di tích cấp phường phát hiện người lang thang thì báo cho công chức LĐTB&XH cùng cấp, sau đó thực hiện quy trình tập trung người lang thang.

Tây Hồ là quận nhỏ nhưng có 71 di tích, trong đó có nhiều di tích lớn. Vấn đề người lang thang xin ăn, xin tiền không chỉ có dịp Tết mà cả ngày rằm, mùng một ở cổng di tích. Vì thế, cần có công an, lực lượng chức năng hỗ trợ để tập trung những đối tượng này về trung tâm bảo trợ xã hội. “UBND Tây Hồ xác định tập trung người lang thang là công việc rất khó nhưng sẽ quyết liệt cùng công an, lãnh đạo phường để hiện tượng này không xảy ra, làm mất mỹ quan đô thị” – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho hay.