Từ ngày mùng 1 Tết Quý Mão năm 2023 tại các phủ, đình, chùa, đền… đã có đông du khách đến thắp hương cầu khấn cho gia đình một năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui, may mắn, bình an. Số lượng khách đi lễ đông nhưng công tác tổ chức quản lý lễ hội, di tích của các địa phương bài bản, có phân luồng giao thông nên không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, vào chiều thứ Bảy (tức ngày mùng 7 tháng Giêng), ngay tại cổng Phủ Tây Hồ (địa chỉ tại phường Quảng An, quận Tây Hồ) có một bà già ăn mặc nhếch nhác, ngồi bệt xuống nền gạch, ngửa nón xin tiền du khách. Nhiều du khách đi qua thương cảm đã cho vào nón những đồng tiền mệnh giá khác nhau.
Với sự hỗ trợ của trật tự viên phường Quảng An, các cán bộ Đội Trật tự xã hội lưu động thuộc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã mời đối tượng lang thang xin tiền này ra xe ô tô và chở về Trung tâm để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Các điểm di tích như khu vực cổng chùa Trấn Quốc (địa chỉ phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) không có người lang thang xin tiền. Nhưng lại có tình trạng một số người bày bán cá ốc phóng sinh, túi muối lộc, kẹo mạch nha, bật lửa mời chào khách mua. Ngay trước cổng Phủ Tây Hồ có những người bán các thúng bánh rán không che đậy, khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trưởng ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ Trương Tiến Hồi cho biết: "Sau gần 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc đi lại bị hạn chế nên năm nay suốt từ ngày mùng 1 Tết, lượng khách đến lễ ở Phủ Tây Hồ rất đông. Trung bình mỗi ngày có 10.000 lượt khách đến lễ Phủ. Để đảm bảo an toàn cho khách đến lễ, từ trước Tết Nguyên đán, UBND phường Quảng An đã mời chúng tôi đến họp và đưa ra các phương án phân luồng để đảm bảo an ninh trật tự.
Ngoài các lực lượng công an phường, đội trật tự, tự vệ, dân quân, tổ dân phố còn có sự hỗ trợ của Công an quận Tây Hồ, Công an TP túc trực từ sáng đến khi đóng cửa Phủ.
“Có vài trường hợp khách bị mất điện thoại, tuy nhiên công an phường đã bắt được đối tượng lấy trộm 9 cái điện thoại di động tại Chùa Trấn Quốc và Phủ Tây Hồ. Chính vì thế, hiện tình hình an ninh tại những khu vực này được bảo đảm khá tốt, đến nay chưa ghi nhận thêm thông tin về trường hợp nào bị móc túi. Tình trạng người lang thang xin tiền chỉ có một – hai trường hợp, được lực lượng công an, trật tự, cán bộ LĐTB&XH tập trung đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội.
Trực tiếp đi kiểm tra các điểm di tích trong những ngày Tết, ông Nguyễn Kim Hiển - Đội Phó Đội Trật tự xã hội lưu động (Sở LĐTB&XH Hà Nội) chia sẻ, công tác tổ chức quản lý lễ hội, di tích ở một số nơi làm rất tốt. Các lực lượng chức năng như công an, bảo vệ, dân phòng ra quân quản lý địa bàn chặt chẽ nên không có tình trạng người lang thang xin tiền. Một số địa bàn rộng, có tình trạng người xin tiền nhưng giảm nhiều so với năm trước.
Để đảm bảo TP Hà Nội không có người lang thang xin tiền ở các di tích, nơi tổ chức lễ hội thu hút đông người tham gia, hàng ngày các cán bộ, nhân viên đội trật tự xã hội lưu động vẫn tiến hành tuần tra địa bàn 14 quận, huyện để kiểm tra, tập trung người lang thang xin tiền.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, từ ngày mùng 1 Tết đến 15 tháng Giêng là cao điểm người đi lễ nên chúng tôi yêu cầu các trung tâm bảo trợ xã hội cử các đội tăng cường đi kiểm tra, rà soát các địa bàn, tập trung vào những đình, chùa, danh lam thắng cảnh. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để kịp thời rà soát, phát hiện đối tượng lang thang xin tiền thì tập trung về Trung tâm để làm đẹp cảnh quan TP.