Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: xử lý nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Sau 1 tháng theo dõi quá trình vận chuyển hàng hoá, ngày 6/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 kiểm tra Cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát hàng hóa Quyết Đại Phát E xpress, ngõ 69 đường Vạn Xuân, Kim Chung (Hoài Đức) phát hiện một lượng lớn thuốc lá điện tử nhập lậu.

Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở này đang có 18 chiếc máy hút thuốc lá điện tử made in China, 370 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử made in USA, 6300 gói thuốc lá dạng sợi 40g/gói. Đây là vụ việc điển hình trong việc lợi dụng chuyển phát hàng hóa để vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá điện tử, đặc biệt là hàng cấm (thuốc lá thành phẩm dạng gói khác – thuốc lá lăn tay).

Thuốc lá điện tử nhập lậu tại tại Cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát hàng hóa Quyết Đại Phát E xpress (Hoài Đức). Ảnh: Hoài Nam
Thuốc lá điện tử nhập lậu tại tại Cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát hàng hóa Quyết Đại Phát E xpress (Hoài Đức). Ảnh: Hoài Nam

Thông tin từ Cục QLTT Hà Nội cho thấy, trong tháng 4/2024, lực lượng chức năng Hà Nội đã  thanh tra, kiểm tra 1.030 vụ buôn lậu, hàng giá, gian lận thương mại. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 207 vụ, hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ 117 vụ, gian lận thương mại 541 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 38,774 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, trong tháng 4, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là các hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng. Việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gia dụng... vẫn diễn ra, với nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau.

Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hoa quả nhập lậu tại Số 9 Hồng Hà (Tây Hồ). Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hoa quả nhập lậu tại Số 9 Hồng Hà (Tây Hồ). Ảnh: Hoài Nam

Đặc biệt, tháng 4 là “Tháng vì hành động an toàn thực phẩm”, các lực lượng chức năng TP Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện xử lý nhiều vụ vi phạm về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Điển hình, Đội QLTT số 17 phát hiện 1.050 kg nầm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ; Đội QLTT số 7 phát hiện 3.700 sản phẩm xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Trong tháng 5, BCĐ 389 Hà Nội tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, từ đó thực hiện các biện pháp đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời tiếp tục kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong dịp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024. Cùng với đó, tăng cường phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả trên địa bàn.