Hạ tầng làm khó nuôi trồng thủy sản

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Hà Nội có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn, song do gặp khó khăn về hạ tầng nên hiệu quả chưa như mong đợi. Vì vậy, để phát triển NTTS bền vững, ngành nông nghiệp Thủ đô cần ưu tiên đầu tư giao thông nội đồng, đường điện, tiêu thoát nước, cơ sở chế biến, chợ đầu mối…

Chồng chất khó khăn
Ông Trịnh Văn Tam, thôn Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Phú Xuyên chia sẻ: "Đường vào khu trang trại của địa phương là đường đất hoặc rải đá cấp phối nên khi thu hoạch thủy sản, chuyển thức ăn, con giống về gặp nhiều khó khăn, nhất là khi trời mưa. Nếu hạ tầng đồng bộ, chúng tôi sẽ có thêm động lực để NTTS theo hướng VietGAP". Một khó khăn nữa, theo Giám đốc HTX Thủy sản Đồng Tâm Chu Văn Hồng, xã Phú Đông, huyện Ba Vì, một trong những HTX NTTS đạt tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên của Hà Nội, là hạ tầng phụ trợ cho vùng nuôi như chợ đầu mối, cơ sở chế biến còn hạn chế nên nông dân sản xuất ra sản phẩm sạch vẫn phải tự sản, tự tiêu.
 Nông dân huyện Ứng Hòa thu hoạch cá tại trang trại. Ảnh: Công Hùng
Tại huyện Chương Mỹ, việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho vùng NTTS đòi hỏi nguồn vốn lên tới cả trăm tỷ đồng, nhưng đến nay hầu hết các vùng nuôi này vẫn chưa được đầu tư, dù dự án đã được phê duyệt từ nhiều năm nay. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám cho biết, hiện, kể cả khi hạ tầng vùng NTTS tập trung được đầu tư xây dựng đối với các trục đường giao thông chính nhưng thiếu các nhánh đường xương cá và hạ tầng phụ trợ vùng nuôi thì vẫn chưa đồng bộ. Trong khi đó, các hộ dân không thể bỏ ra kinh phí vài trăm triệu đồng để hoàn thiện những hạng mục này.

Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT, hiện nay tại Hà Nội có hơn 30.000ha NTTS, gồm hơn 11.000ha ao, hồ và 19.800ha ruộng trũng chuyển đổi nhưng hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là giao thông, thủy lợi ở nhiều nơi rất khó khăn.

Sớm giải bài toán hạ tầng

Đến nay, trong số 13 dự án xây dựng vùng NTTS tập trung ở 10 huyện mới có 2 dự án tập trung thuộc xã Trung Tú, Đồng Tân (huyện Ứng Hòa) và vùng NTTS xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) đang triển khai, còn lại các dự án khác vẫn “dậm chân tại chỗ”. Bên cạnh đó, nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng NTTS lớn trên địa bàn TP đã nằm trong quy hoạch, song cũng chưa được thực hiện như: Xây dựng Trung tâm giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cá cảnh tập trung; nâng cấp, cải tạo chợ cá đầu mối Yên Sở; dự án hỗ trợ hạ tầng khu chế biến sản phẩm thủy sản cá nước ngọt…

Nhằm khắc phục những tồn tại, tạo điều kiện cho phát triển NTTS theo hướng bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung quy mô lớn. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng chợ cá đầu mối, các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản nước ngọt để từng bước đa dạng hóa sản phẩm và hỗ trợ, bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách khó khăn, Sở NN&PTNT đang đề xuất UBND TP bố trí ngân sách thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tập trung, hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, hệ thống khảo nghiệm, kiểm định NTTS. Còn các dự án khác, sẽ khuyến khích lồng ghép vào các chương trình chuyển đổi cụ thể ở địa phương, đồng thời kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng chế biến và chợ đầu mối...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần