Hà Tĩnh đang trải qua đợt cao điểm nắng nóng gay gắt, kéo dài, nhiệt độ phổ biến trên 39 độ C. Trong đó, địa bàn huyện miền núi Hương Khê thường xuyên chịu ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt nhất. Hiện nay, nhiều diện tích chè ở xã Hương Trà đã bị khô héo hoặc bị chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống, việc làm của Nhân dân.
“Hạn hán kéo dài suốt gần 1 tháng, mọi người phải thay phiên nhau để bơm nước tưới cho cây chè. Tuy nhiên, tại những vùng cao hoặc không có cây che bóng mát, cây chè đã bị khô héo, một số cây đã bị chết, rất khó phục hồi trở lại”, chị Thái Thị Tình, quê ở xã Hương Trà chia sẻ.
Nhiều năm trở lại đây, phong trào trồng chè ở xã Hương Trà đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Cây chè trở thành cây trồng chủ lực. Những đồi chè xanh mướt vào mùa Xuân đã thu hút rất nhiều đoàn khách từ khắp mọi miền đến tham quan, trải nghiệm, mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn.
“Thời gian này người trồng chè đang tất bật chống hạn, nhưng cũng rất khó khăn. Vì trên địa bàn lâu ngày không có mưa, các giải pháp bơm tưới theo công nghệ Israel, hoặc tưới thủ công chỉ giải quyết được một phần hạn hán. Về lâu dài, nếu không có mưa thì cây chè có thể sẽ bị chết, gây thiệt hại nghiêm trọng”, đại diện lãnh đạo xã Hương Trà phân tích.
Qua tìm hiểu được biết, cây chè công nghiệp ở xã Hương Trà, huyện Hương Khê tập trung chủ yếu ở các giống PH1 và LDP2. Đây là những giống chè chủ lực, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cho năng suất, sản lượng cao. Vậy nhưng, năm nay cây chè đã không thể chống chọi nổi do nắng nóng gay gắt, kéo dài, sản lượng chè búp tươi đang bị sụt giảm nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Xí nghiệp chè 20-4 Trần Công Quang cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 150 ha chè công nghiệp được trồng liên kết giữa người dân với doanh nghiệp. Năm 2022, thời tiết thuận lợi, mưa nhiều, cây chè đã mang lại thu nhập cho người dân hơn 18 tỷ đồng.
“Năm nay, nắng nóng gay gắt kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây chè. Mặc dù chưa thể thống kê cụ thể diện tích chè bị héo khô, bị chết, nhưng số lượng tương đối nhiều. Chúng tôi đang tập trung đôn đốc người dân tận dụng tối đa nguồn nước để bơm tưới, chống hạn, nhưng cũng rất khó khăn vì các hồ đập, giếng khoan, giếng đào đều bị cạn nước”, ông Trần Công Quang thông tin.
Đặc thù cây chè công nghiệp khả năng chịu hạn vừa phải. Vì vậy, đợt cao điểm nắng nóng gay gắt năm nay đã gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với người trồng chè ở huyện miền núi Hương Khê. Việc chủ động các biện pháp chống hạn, kịp thời khôi phục sản xuất sẽ là yếu tố quyết định để đảm bảo năng suất, sản lượng, ổn định thu nhập cho Nhân dân từng nhiều năm gắn bó với cây chè.