Trận lũ đầu tháng 11 vừa qua, dọc bờ sông Ngàn Trươi ở xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang xuất hiện nhiều điểm sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở. Trong đó, riêng tại địa bàn thôn 5 và thôn 6 một số điểm sạt lở nghiêm trọng đã ăn sâu vào nhà dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn.
“Điểm sạt lở dài khoảng 5m, sâu từ 5-8m, rất nhiều đất đá sát tường nhà đã bị cuốn trôi xuống sông. Hiện nay, sát tường còn xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giải pháp đóng cọc tre chống sạt lở mới chỉ là khắc phục tạm thời, về lâu dài vẫn chưa thể yên tâm ổn định cuộc sống”, bà Phan Thị Long ở thôn 6 xã Quang Thọ lo lắng cho biết.
Sạt lở đất ven sông gây lo lắng, bất an cho người dân. Bởi hầu hết các điểm đã sạt lở đều nằm ở vị trí xung yếu, việc trồng tre, trồng cây chống sạt lở vẫn chưa thể ngăn chặn đất đá bị sạt lở khi nước lũ dâng cao, chảy xiết. Đó là chưa kể đến thói quen sinh hoạt, quỹ đất ở chật hẹp nên rất nhiều hộ dân đã xây dựng nhà sát bờ sông, dẫn đến nguy cơ sạt lở khó lường.
“Trong mưa lũ, chính quyền địa phương đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện giúp người dân đóng cọc tre, gia cố đất đá chống sạt lở, không để nhà bị cuốn trôi xuống sông. Tuy nhiên, về lâu dài ở những nơi xung yếu ven sông cần được khảo sát, đầu tư kinh phí xây dựng kè đá kiên cố mới có thể phòng ngừa sạt lở đất”, ông Nguyễn Hùng Cường- Chủ tịch UBND xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang cho biết.
Sạt lở đất không chỉ xảy ra ở bờ sông Ngàn Trươi, hiện nay dọc bờ sông Ngàn Sâu (huyện Hương Khê và Vũ Quang), sông Minh (thị xã Hồng Lĩnh), sông Ngàn Mọ (huyện Cẩm Xuyên)...đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở khá nghiêm trọng.
Trong đó, tại bờ sông Minh sát Đền Cả gần cống Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh) điểm sạt lở dài khoảng 60m, sâu 5m, cuốn trôi rất nhiều cây cối và khoảng 2.000m3 đất đá xuống sông. Tại bờ sông Ngàn Mọ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên điểm sạt lở dài khoảng 250m, gây nhiều thiệt hại rất lớn đến tài sản, đất sản xuất của người dân.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết, điểm sạt lở nghiêm trọng tại bờ sông Ngàn Mọ đã được chính quyền, lực lượng quân đội và người dân tập trung đóng cọc tre, kết rọ đá, gia cố tạm thời, cứu bờ sông trong mưa lũ.
“Sau mưa lũ, địa phương đã làm văn bản, tờ trình chi tiết gửi UBND tỉnh xin được bố trí nguồn kinh phí khẩn cấp để khắc phục, xây dựng kè đá kiên cố tại vị trí xung yếu xảy ra sạt lở ở bờ sông Ngàn Mọ nhằm ổn định cuộc sống, sinh hoạt lâu dài cho Nhân dân”, ông Lê Ngọc Hà thông tin.
Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa lũ diễn ra bất thường và gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, sạt lở đất ven sông ở tỉnh Hà Tĩnh đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, gây lo lắng cho người dân. Việc xây dựng kè kiên cố chống sạt lở ven sông được cho là giải pháp lâu dài, nhưng trước mắt người dân cần chủ động các phương án phòng ngừa, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.