Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật phát triển các kỹ thuật khai thác và dọn sạch dầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh cơn bão đang đến gần, các tàu thuyền do BP thuê hớt dầu loang đã quay trở lại vị trí xuất phát. Vì thế, dù không ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tràn dầu, cơn bão sắp tới sẽ vẫn tác động đến nỗ lực dọn sạch dầu.

KTĐT - Trong bối cảnh cơn bão đang đến gần, các tàu thuyền do BP thuê hớt dầu loang đã quay trở lại vị trí xuất phát. Vì thế, dù không ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tràn dầu, cơn bão sắp tới sẽ vẫn tác động đến nỗ lực dọn sạch dầu.

Hạ viện Mỹ ngày 21/7 đã biểu quyết thông qua một dự luật về phát triển các kỹ thuật khai thác và dọn sạch dầu nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn một thảm họa tràn dầu thứ hai, tương tự như sự cố trên Vịnh Mexico.

Dự luật mới cho phép thành lập một ủy ban cấp liên bang nghiên cứu các biện pháp ngăn chặn nguy cơ rò rỉ và tràn dầu cũng như các biện pháp khắc phục trong tương lai.

Đồng thời, dự luật còn cho phép Cơ quan Nghiên cứu khí hậu và đại dương quốc gia Mỹ sử dụng tiền hỗ trợ nghiên cứu cải thiện các biện pháp ngăn ngừa và đối phó đối với thảm họa dầu tràn, vốn đã được áp dụng từ vụ tràn dầu Exxon Valdez năm 1989.

Trở lại với "thảm họa thủy triều đen" trên Vịnh Mexico, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định trách nhiệm của Quốc hội Mỹ trong việc buộc tập đoàn năng lượng BP của Anh phải hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong vụ việc này cũng như chuẩn bị biện pháp đối phó với các thảm họa bất ngờ có thể xảy ra trong tương lai.

Cùng ngày, bốn "đại gia" dầu mỏ hàng đầu thế giới gồm Exxon Mobil, Chervon, Conoco Phillips và Royal Dutch Shell tuyên bố sẽ góp tổng cộng một tỷ USD thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi Marine Well Containment Company phát triển hệ thống hút dầu tràn mới trên Vịnh Mexico.

Công ty này có nhiệm vụ thiết kế, xây dựng và vận hành một hệ thống linh hoạt với công suất hút là 100.000 thùng dầu/ngày, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết ở độ sâu khoảng 3.000m. Tuy nhiên, BP không tham gia vào kế hoạch trên.

Liên quan đến nỗ lực khắc phục sự cố tràn dầu trên Vịnh Mexico, một cơn bão đang hình thành ngoài khơi vùng biển Caribe cùng ngày lại một lần nữa khiến nỗ lực bịt miệng giếng dầu trên vịnh của BP giậm chân tại chỗ.

Quan chức hàng đầu của Chính phủ Mỹ phụ trách việc khắc phục sự cố tràn dầu, ông Thad Allen khẳng định BP đã phải tạm hoãn bịt miệng giếng dầu, đồng thời cho biết nếu bão ngăn cản BP kiểm soát giếng dầu, các đơn vị chức năng có thể sẽ phải mở lại chiếc nắp đậy mới và dầu sẽ lại tiếp tục phun trào trên vịnh.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch BP Kent Wells nhận định có thể sẽ mất tới hai tuần để nối lại các nỗ lực khóa giếng dầu nếu các công nhân đang khắc phục sự cố của BP buộc phải sơ tán do bão.

Trong bối cảnh cơn bão đang đến gần, các tàu thuyền do BP thuê hớt dầu loang đã quay trở lại vị trí xuất phát. Vì thế, dù không ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tràn dầu, cơn bão sắp tới sẽ vẫn tác động đến nỗ lực dọn sạch dầu.

Hiện giới chức Mỹ và BP đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để đưa ra các quyết định kịp thời.

Kể từ khi xảy ra vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon hồi cuối tháng Tư vừa qua, làm 11 công nhân thiệt mạng, dầu đã liên tục phun trào dưới đáy biển Vịnh Mexico và lan đến các bờ biển của toàn bộ năm bang ven vịnh này.

Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính từ 2,5-4,5 triệu thùng dầu đã tràn ra biển.

BP đã phải tiêu tốn tới 3,5 tỷ USD để khắc phục sự cố, trong khi số tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng trong thảm họa này có thể sẽ còn lớn gấp 10 lần con số trên./.