Cuộc tấn công được cho là bằng vật thể bay không người lái vào hai khu khai thác dầu lửa Abkaik và Khurais của Ả rập Saudi đã đẩy vương triều này vào một cơn ác mộng thực sự nhưng đồng thời cũng đặt ra cho cả thế giới những câu hỏi mới cần được trả lời để có được yên bình thực sự trong thời gian tới. Lực lượng vũ trang người Houthi ở Yemen đứng ra nhận trách nhiệm. Mỹ và đồng minh ngay lập tức cáo buộc Iran chủ mưu ở phía sau. Hành xử như thể đã được lập trình từ trước, tổng thống Mỹ Donald Trump lớn giọng doạ Mỹ sẽ thẳng tay trả đũa và trừng phạt bất kỳ ai tiến hành các cuộc tấn công này.
Mỹ đã tuyên bố mở kho dự trữ chiến lược về dầu lửa để bơm thêm dầu vào thị trường sau vụ tấn công tại Ả Rập Saudi. |
Dù vậy, cuộc tấn công này vẫn là điềm bất lành cho Ả rập Saudi và cho cả thế giới trên hai phương diện. Mỹ cho biết sẵn sàng mở kho dự trữ chiến lược về dầu lửa để bù đắp cho khối lượng khoảng 5,7 triệu thùng dầu (mỗi thùng 159 lít) mà Ả rập Saudi không thể cung cấp cho thị trường hàng ngày do hai khu vực khai thác kia bị tấn công phá hoại. Ả rập Saudi là nước khai thác dầu lửa lớn nhất thế giới và hàng ngày tung ra thị trường khối lượng dầu lửa lớn nhất thế giới (khoảng 10 triệu thùng). Vụ tấn công này hiện không gây ảnh hưởng đáng kể tới biến động của giá dầu lửa trên thị trường vì nhu cầu về dầu lửa trên thế giới hiện không cao, các nước dự trữ chiến lược về dầu lửa dồi dào và tuy không loại trừ khả năng vụ việc này sẽ lặp lại trong thời gian tới - như đe doạ của lực lượng vũ trang người Houthi ở Yemen - nhưng tất cả các nước khai thác và xuất khẩu dầu lửa đều sẽ phải tự rút ra được cho họ những bài học cần thiết từ vụ việc này để phòng người cho thời gian tới.
Thứ nhất, chỉ một vụ tấn công bằng vũ khí đơn giản và rẻ tiền mà không phải chỉ có các cường quốc quân sự thế giới hay khu vực mà đến cả những nhóm phái vũ trang thông thường cũng có thể chế tạo và sử dụng được rất hiệu quả lại đủ để làm cả cường quốc dầu lửa hàng đầu thế giới chao đảo. Ả rập Saudi đột nhiên bị phơi bày khả năng dễ bị tổn thương của đất nước và thế giới dầu lửa cũng vậy. Tất cả các nước khác ở mọi khu vực khác đều có thể dễ dàng bị vạ lây và bị tổn hại nặng nề như thế nào bởi một cuộc tấn công đơn giản. Thế giới dầu lửa nói chung và thị trường dầu lửa thế giới nói riêng có thể bị chấn động dữ dội mà không phải bởi xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia ở vùng khai thác dầu lửa, không phải bởi biện pháp chính sách của các nước xuất khẩu dầu lửa mà bởi một cuộc tấn công quân sự đơn giản với quy mô nhỏ.
Thứ hai, việc tiến hành chiến tranh và xung đột vũ trang ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông và vùng Vịnh nói riêng và trên thế giới nói chung đã chính thức chuyển giai đoạn. Tấn công quân sự từ xa và sử dụng vũ khí là thiết bị bay không người lái cùng với chiến tranh trên mạng hay thông qua mạng đang trở thành những đặc điểm nổi bật nhất và đặc thù nhất của xung đột quân sự và chiến tranh trên thế giới trong tương lai, bất kể ở quy mô và với mức độ nào, bất kể giữa các địch thủ gần nhau hay cách xa nhau về địa lý.
Hai điềm bất lành này mới là những gì đáng lo ngại nhất từ vụ việc mới xảy ra với hai khu vực khai thác dầu lửa của Ả rập Ả rập Saudi. Hệ luỵ khó có thể tránh khỏi là các nước trên thế giới rồi đây sớm muộn cũng sẽ phải đầu tư nhiều tiền của, công sức và trí lực hơn vào việc phòng thủ chống vật thể bay không người lái và cả tiến hành tấn công quân sự bằng vật thể bay không người lái khi cần thiết. Sẽ có một dạng mới về tăng cường vũ trang trên thế giới. Chuyện đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và thế giới vì thế trở nên không chỉ thời sự hơn mà còn khó khăn và phức tạp hơn trước rất nhiều.