Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải quan "tuýt còi" Bộ Tài nguyên cho DN nhập phế liệu không giấy phép

Theo Dân Trí
Chia sẻ Zalo

Trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu được nhập khẩu xong hoàn thiện Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu, thì Tổng cục Hải quan vừa quyết định dừng thông quan đối với hoạt động trên vì cho rằng không phù hợp với quy định của quản lý Nhà nước, gây nhiều hệ lụy xấu.

Văn bản mới của Tổng cục Hải quan gửi đến Bộ TN&MT cho biết: Hiện nay trong quá trình các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để phục vụ tái chế, sản xuất như thép, cao su, săm lốp, nhiều DN vẫn không có giấy xác nhận đủ các điều kiện về vệ sinh môi trường, kiểm dịch, an toàn kỹ thuật hay chứng minh nguồn gốc xuất xứ đơn hàng.
Mặc dù vậy, Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT vẫn cho phép một số doanh nghiệp được phép nhập khẩu khi chưa có Giấy xác nhận bảo vệ môi trường. Xét về các quy định của pháp luật như Thông tư 41/2015 về yêu cầu Giấy xác nhận là chứng từ bắt buộc thuộc hồ sơ hải quan nhập khẩu của Bộ TN&MT.
 Săm lốp phế liệu nhập khẩu (ảnh minh họa)

Như vậy, việc làm của Bộ TN&MT chưa phù hợp với chính thông tư, quy định của Bộ này quy định. Bên cạnh đó, không phù hợp với các văn bản luật pháp của Bộ Tài chính và quy định quản lý hàng nhập khẩu phế liệu có nguy cơ cao về môi trường, gây khó cho quản lý và hoạt động của cơ quan Hải quan.
Chính vì vậy, theo quy định, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo hải quan các địa phương thực hiện dừng thông quan đối với những trường hợp doanh nghiệp vẫn được nhập khẩu phế liệu nhưng chưa có Giấy xác nhận bảo vệ môi trường đến khi nào các doanh nghiệp trên hoàn thiện được các giấy tờ theo quy định.
Hiện, về nhập khẩu phế liệu, nổi lên hai mặt hàng lớn là sắt thép phế liệu và săm lốp ô tô đã qua sử dụng. Về mặt hàng săm lốp ô tô, theo báo cáo mới nhất của Hải quan các tỉnh như: Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, các đơn vị này vẫn tồn tại hàng nghìn container săm lốp ô tô vô chủ tại các cảng. Nguyên do là các doanh nghiệp nhập khẩu về nhưng không giải quyết đơn hàng với nhà nhập khẩu hoặc thanh toán vận đơn chuyên chở. Bên cạnh đó, những mặt hàng có nguồn gốc tạm nhập tái xuất nhưng doanh nghiệp chỉ nhập về, không làm thủ tục tái xuất.
Việc tồn tại kẽ hở trong pháp luật về quản lý hàng phế liệu đang gây nhức nhối về quản lý kho vận tại các cảng nhập khẩu, phát sinh chi phí lưu kho, quản lý. Bên cạnh đó, đây là những mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.
Về mặt hàng sắt thép phế liệu nhập khẩu, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm cả nước nhập khẩu trên 3,5 triệu tấn sắt thép, đạt kim ngạch hơn 780 triệu USD, tăng hơn 20% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu sắt thép phê liệu về Việt Nam chủ yếu phục vụ tái chế sắt thép của các nhà máy sử dụng công nghệ cũ, nhà máy thép nhỏ lẻ.
Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động này cần kiểm soát chặt để tránh nguy cơ Việt Nam trở thành điểm đến của các loại rác thải công nghiệp.