Giải pháp căn cơ hẳn là tốn nhiều kinh phí nhưng buộc phải làm, nếu không công cuộc nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô vẫn loay hoay, khó chạm đích.
Những lo ngại được điểm tên
Chỉ trong vòng hai năm tính từ 2022, không chỉ người dân Thủ đô Hà Nội mà tất cả người dân Việt Nam đã rất vui vì tiếp nhận một loạt văn bản luật, chính sách, quy hoạch được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của Thủ đô Hà Nội. Ví như Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 15-NQ/TW), Luật Thủ đô- Luật số 39/2024/QH15 (Luật Thủ đô) hay Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, được Hội đồng Nhân dân Hà Nội thông qua và sẽ được chính thức thực hiện ngay khi có Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Cả ba văn bản này đều nêu bật những thành tựu mà chính quyền và nhân dân Hà Nội đã thu được trong thời gian qua như tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức khá cao, đạt bình quân 6,83%/năm; GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. Nhưng điều chúng tôi ấn tượng hơn là các văn bản này cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế, nhiều thách thức và cả yếu kém của Hà Nội trong thời gian qua để chính quyền và nhân dân Thủ đô cần sớm khắc phục, giúp tăng trưởng của Hà Nội nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Đáng nói, chất lượng môi trường (CLMT) Hà Nội cũng đã được đề cập nhiều trong các văn bản này. Nghị quyết 15-NQ/TW đánh giá: “bảo vệ môi trường còn hạn chế”. Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 xác định: “vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ, không khí..., quy hoạch các khu xử lý rác thải, chất thải rắn bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả là yêu cầu cấp bách, cần tập trung, ưu tiên thực hiện”.
Đặc biệt, trong Quy hoạch Thủ đô đã chỉ ra hiện trạng môi trường với nhiều vấn đề rất đáng lo ngại như: Kết quả quan trắc giai đoạn 2016 - 2020 đã ghi nhận chất lượng nước các hồ, ao bị ô nhiễm theo thời gian, chưa được cải thiện (chỉ số WQI giảm qua các năm quan trắc); Chất lượng nước sông Đáy vẫn không có dấu hiệu được cải thiện, chất lượng nước luôn duy trì ở mức kém (WQI: 24-46); Kết quả quan trắc môi trường nước các sông nội đô do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) thực hiện từ tháng 2-7/2020 tại 6 điểm cho thấy các sông nội thành ở tình trạng bị ô nhiễm nặng với giá trị WQI dao động từ 10-25;
Mức độ ô nhiễm bụi trên địa bàn thành phố Hà Nội cao hơn so với các đô thị khác trong cả nước và có sự biến động qua các năm. Giá trị trung bình năm của thông số bụi PM2.5 và PM10 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại Hà Nội giai đoạn năm 2015 - 2022 đều vượt quá giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1 - 2,2 lần, cao nhất ghi nhận năm 2019. Riêng năm 2022, Trạm Chi cục BVMT nhận giá trị cao nhất so với các năm khác.
Tầng chứa nước Neogen (n): đã bị ô nhiễm bởi dinh dưỡng (thông số NH4+ của các đợt quan trắc đều vượt quy chuẩn QCVN 09:2008/BTNMT) và Fe (nồng độ Fe quan trắc năm 2012 và 2014 vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,3 lần) ở tất cả các giếng quan trắc; Tầng chứa nước Pleistocen (qp): 73/82 giếng (chiếm 89%) có nồng độ NH4+, 12/82 giếng (15%) có nồng độ COD, 57/82 giếng (70%) có nồng độ Fe, 31/82 giếng (38%) có nồng độ Mn, 82/82 giếng (100%) có nồng độ As vượt quy chuẩn cho phép.
Điều đó cho thấy, CLMT của Hà Nội thực sự đáng báo động và chưa có dấu hiệu cải thiện là mối lo chung của các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, cần có những lý giải tại sao Hà Nội lại để cho CLMT ở mức này, đã có những chính sách, quyết định, dự án giải quyết tình trạng suy giảm CLMT chưa và nếu có thì hiệu quả đến đâu?.
Trăn trở những nguyên nhân
Thật ra, Hà Nội đã có chủ trương và giải pháp tốt để hạn chế suy giảm CLMT rất đáng được hoan nghênh như: di dời các nhà mày phát thải nhiều chất ô nhiễm ra khỏi nội đô, không xây dựng nhà máy phát thải lớn ở Hà Nội, từng bước kè các sông hồ nội đô, nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, xây dựng đường sắt trên cao, chuyển đổi phương tiện giao thông sang chạy điện, khí tự nhiên,… Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy, đó là hệ thống quản lý CLMT của Hà Nội chưa được kiện toàn, đồng bộ nên quản lý CLMT còn lúng túng, chưa tìm được lộ trình cải thiện CLMT có tính thực thi cao. “Nút thắt” này dường như càng gỡ càng thắt vì Hà Nội chưa làm rõ các vấn đề chính, đó là:
Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý CLMT nói chung và quản lý các thành phần môi trường nói riêng. Câu hỏi này chưa có câu trả lời thỏa đáng nên rất khó chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể khi để suy giảm CLMT như hiện nay.
Quản lý tập trung vào vấn đề gì, thật ra có thể chỉ ra hai vấn đề đó là quản lý phát thải chất ô nhiễm và quản lý CLMT. Hai vấn đề này ở Hà Nội chưa được giải quyết triệt để, vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu phát thải chất ô nhiễm nước, không khí, chất thải rắn (CTR) để biết ai, đối tượng này đang xả thải ra môi trường Hà Nội. CKMT cũng chưa được làm rõ, do thiếu số liệu quan trắc chất lượng nên chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến suy giảm CLMT, ô nhiễm môi trường.
Quản lý như thế nào, tập trung vào các giải pháp kiểm kê chất thải, xây dựng hệ thống quan trắc đủ để liên tục có số liệu phát thải và số liệu đánh giá CLMT và tiến hành đánh giá những tác động của việc suy giảm CLMT đến sức khỏe, đến hoạt động sống và hoạt động kinh tế của người Hà Nội. Đây là điều phải ưu tiên trong thời gian tới.
Tìm giải pháp, xây dựng hệ thống kiểm soát nguồn thải, hệ thống xử lý chất thải để cải thiện CLMT. Hiện tại, Hà Nội chưa có hệ thống thu gom nước thải hoạt động tốt để vận chuyển về các nhà máy xử lý nên nước thải chưa qua xử lý vẫn thải ra các thủy vực gây ra suy giảm thậm chí ô nhiễm như chỉ ra ở phần trên.
Làm gì để cải thiện môi trường Hà Nội?
Mặc dù, những việc cần làm để nâng cao CLMT Hà Nội, đã được đề cập khá rõ trong các văn bản pháp luật gần đây, nhưng vẫn chưa đưa ra được kế hoạch, lộ trình, phân công, phân nhiệm cụ thể nên chưa được nhân dân tin tưởng. Theo tôi, giai đoạn từ nay đến năm 2030 phải cố gắng thực hiện được 2 việc cụ thể, bao gồm:
Việc thứ nhất: Thực hiện bằng được công tác kiểm kê phát thải để đến năm 2030 có được cơ sở dữ liệu các nguồn thải trên toàn thành phố Hà Nội, liệt kê được danh mục những nguồn thải, cả nguồn nước thải, khí thải và CTR. Mới nhìn công việc này có phần dễ, có thể yêu cầu các nguồn thải báo cáo là đủ nhưng thật ra đây là công việc rất khó khăn ít nhất là giai đoạn đầu. Bởi vì, không dễ hỏi gia đình, cơ sở sản xuất, nhà máy, KCN là họ phát thảo bao nhiêu m3 nước thải, bao nhiêu tấn BOD, COD, TSS,… một tháng hay bao nhiêu tấn bụi PM2,5, PM10, bao nhiêu tấn SO2, NOx, CO,… một tháng, bao nhiêu tấn CTR một năm, ... Các nhà khoa học cũng đã đề xuất được các phương pháp xác định mức thải của các nguồn thải nhưng vẫn cần những thông số mà chỉ nguồn thải mới có.
Chính vì vậy, một số quốc gia đưa kiểm kê chất thải vào quy định luật pháp, yêu cầu các nguồn thải phải tự kiểm kê nguồn thải và báo cáo cho cấp có thẩm quyền. Tất nhiên cơ quan quản lý, các nhà khoa học phải thống nhất được các phương pháp kiểm kê, chỉ rõ các số liệu thô mà chủ nguồn thải phải cung cấp. Nếu yêu cầu các chủ nguồn thải tự kiểm kê thì chính họ phải tiếp cận các nhà quản lý, các nhà khoa học để có thể kiểm kê chất thải của mình, đôi khi phải thuê các cơ quan, các viện nghiên cứu thực hiện kiểm kê phát thải để báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền.
Một điều hết sức quan trọng là cơ quan tiếp nhận số liệu kiểm kê chất thải phải đủ mạnh để phát hiện những số liệu không chính xác để yêu cầu các nguồn thải tiến hành kiểm kê lại. Và khi đã có đủ số liệu thì phải xây dựng thành cơ sở dữ liệu để tiện quản lý, sử dụng. Đây là công việc liên quan đến nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề có tính đặc thù nên về mặt tổ chức phải có được một người đứng đầu đủ tầm kiến thức, đủ quyền lực (coi như một tổng công trình sư) để có thể tổ chức các nhóm thực hiện hoặc thuê tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài thực hiện. Tốt nhất là một cán bộ lãnh đạo thành phố đủ sức điều hành các ngành vào cuộc mới thực hiện được. Tất nhiên là phải huy động đủ nguồn lực và tốn thời gian mới có thể thực hiện công việc này.
Thực tế cho thấy, giai đoạn đầu của kiểm kê chất thải phải có nguồn kinh phí từ ngân sách để tổ chức thực hiện. Đây là vấn đề vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” chưa thể “dự toán” được kinh phí do chưa có định dạng để dự toán. Liệu có thể xây dựng các dự án kiểm kê như kiểu dự án khoa học để kiểm kê được không, nhưng dù dự án kiểu gì cũng phải tiếp cận nguồn thải nên phải có quy định trách nhiệm của nguồn thải trong việc cung cấp số liệu theo yêu cầu dự án.
Tôi có được mời làm tư vấn cho Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội để xây dựng Kế hoạch Quản lý chất lượng không khí Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có nhiệm vụ kiểm kê khí thải nhưng hiện nay vẫn lúng túng, không biết tiến hành như thế nào. Theo tôi, kiểm kê chất thải nên làm chung cho cả nước thải, khí thải, CTR sẽ phù hợp hơn vì đều tiếp cận nguồn thải mà các nguồn này có thể thải tất cả loại chất thải này. Chỉ khi nắm chắc mức thải của các nguồn thải thì mới có thể tiến hành tìm cách quản lý tiến tới giảm phát thải phù hợp, đồng bộ, mặt khác chính kiểm kê chất thải lại là thước đo hiệu quả của các giải pháp giảm thải được áp dụng.
Việc thứ hai: Xây dựng bằng được hệ thống quan trắc môi trường chất lượng cao, hiện đại, đảm bảo đánh giá chính xác hiện trạng môi trường, tập trung vào hệ thống các trạm quan trắc liên tục, tự động, cố định đo chất lượng nước mặt (CLNM) và chất lượng không khí (CLKK). Với yêu cầu này, hệ thống đo, quan trắc phải được xây dựng bài bản với số lượng điểm đo, các yếu tố cần đo, vị trí đo được nghiên cứu kỹ để đảm bảo đủ số liệu theo các yêu cầu khác nhau mà đầu tư ở mức chấp nhận được.
Có lẽ, chúng ta chưa có hướng dẫn cụ thể về quá trình xây dựng hệ thống điểm quan trắc nên nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội còn lúng túng. Ví dụ, lắp đặt một trạm đo CLKK liên tục, tự động, cố định phải xem xét loại trạm nào phù hợp (vì có nhiều cơ quan cung cấp các loại trạm khác nhau), phải làm việc được với hãng sản xuất để yêu cầu họ cung cấp dịch vụ duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa (thường thì lắp đặt nhiều trạm cùng hãng thì họ sẽ lập đại lý ở Việt Nam để giúp công việc này). Số liệu quan trắc phải được liên tục kiểm tra, xử lý, sử dụng thì hệ thống quan trắc mới có hiệu quả.
Hà Nội là thành phố lớn có ngân sách lớn nhưng hiện tại hệ thống quan trắc CLKK vẫn chưa đáp ứng, rất khó giải thích. Đã có thời kỳ, Hà Nội có tới 5-6 trạm quan trắc liên tục, tự động, cố định nhưng do quá trình duy tu, sữa chữa kém nên chất lượng số liệu không đảm bảo và chưa được sử dụng nên sau đó hệ thống quan trắc này bị thanh lý. Có hai lý do mà chúng tôi thấy cần giải quyết, đó là:
1. Phải có cơ chế đặc thù để các cơ quan chức năng có thể tiếp cận mua được thiết bị chính hãng, được hãng cung cấp dịch vụ duy tu, sửa chữa. Hiện tại, chỉ có thể mua thông qua một Công ty trong nước, có thể phải tăng giá mà việc cung cấp dịch vụ hậu mãi hầu như không có, lúc gặp sự cố không biết kêu ai. Có thể cho phép cơ quan chức năng được thuê cung cấp số liệu còn việc xây dựng và vận hành trạm do hãng cung cấp, chịu trách nhiệm.
Nghĩa là, chúng ta chỉ xác định nơi đặt trạm, thường xuyên kiểm tra chất lượng số liệu và trả tiền cho hãng để có số liệu đảm bảo chất lượng. Đã có một số quốc gia thực hiện theo phương thức này và thấy hiệu quả rất cao, vừa có số liệu tốt vừa không phải “trông” các trạm vừa tiết kiệm kinh phí. Hiện tại, việc mua thiết bị vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí lãnh đạo nhiều cơ quan mua thiết bị từ Công ty AIC của bà Nguyên Thị Thanh Nhàn đã vướng vòng lao lý cũng đã làm nản lòng những cơ quan đầu tư hệ thống quan trắc.
2. Phải đầu tư cơ sở thu thập, xử lý số liệu phục vụ các yêu cầu thực tiễn và xây dựng được cơ sở dữ liệu về CLMT khi hệ thống quan trắc đi vào hoạt động ổn định. Chỉ khi có số liệu quan trắc tốt, mới có thể đánh giá được mức độ và diễn biến CLMT và giúp đánh giá hiệu quả các giải pháp nâng cao CLMT của Hà Nội. Để có hệ thống quan trắc CLMT tốt phải có sự góp sức của các nhà khoa học để xác định hệ thống điểm quan trắc và kiểm tra số liệu thời gian đầu.
Chắc chắn còn nhiều nhiều các giải pháp khác nhưng trong khuôn khổ bài viết này xin chỉ ra một số vấn đề, một số “điểm nghẽn” cần giải quyết như trên. Hy vọng, Hà Nội có thể huy động tất cả nguồn lực, để nâng cao CLMT Hà Nội giai đoạn sau 2030.