KTĐT - Chính phủ đã cam kết hỗ trợ 400.000 người di dời từ những túp lều sập xệ tới các "thành phố lều" sạch và an toàn hơn.
Các quan chức Haiti đang lên kế hoạch cho một cuộc di dời lớn nhằm đưa khoảng 400.000 người, vốn bị mất nhà cửa sau thảm họa động đất và hiện đang phải sống vật vờ trong các túp lều tạm ở thủ đô Port-au-Prince, tới những khu tạm cư ở vùng ngoại ô.
Giới chức địa phương cho biết tính tới hôm nay 22/1, tức là 10 ngày kể từ khi trận động đất xảy ra, khoảng 200.000 người đã chen lấn, xô đẩy nhau lên những chiếc xe buýt, những chiếc phà quá tải và thậm chí là đi bộ để rời khỏi thủ đô bị tàn phá nặng nề.
Đối với những người ở lại, các kỹ sư nước ngoài đã bắt đầu san phẳng đất tại các vùng ngoại ô của thủ đô Port-au-Prince để xây dựng những "thành phố lều", dự kiến cũng chỉ là tạm thời, cho gần nửa triệu người. Chính phủ đã cam kết hỗ trợ 400.000 người di dời từ những túp lều sập xệ tới các "thành phố lều" sạch và an toàn hơn.
Mục tiêu là ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại hàng trăm khu lều tạm vốn không có nước sạch và hệ thống thoát nước. Các gia đình vô gia cư đã sử dụng các tấm bìa các-tông và phế liệu để dựng lều nhằm che nắng nhưng những túp lều này sẽ trở nên vô dụng khi mùa mưa tới.
“Các khu tạm cư mới sẽ là nơi được trang bị tiện nghi tương xứng”, ông Fritz Longchamp, chánh văn phòng Tổng thống Rene Preval cho hay.
Các đội cứu hộ đã bắt đầu từ bỏ nỗ lực tìm kiếm những người sống sót cuối cùng của trận động đất mạnh 7,0 độ richter hôm 12/1. Hôm qua có vẻ như là ngày đầu tiên tiên trong 10 ngày qua không chứng kiến cuộc giải cứu thành công nào từ đống đổ nát.
Thay vào đó, quân đội của các quốc gia trợ giúp nước ngoài đã chuyển sự tập trung của họ sang việc mở rộng vùng hỗ trợ lương thực, nước sạch và chăm sóc y tế cho những người sống sót.
Hơn 500 khu lều tạm với dân số khoảng 472.000 người giờ đây đang mọc rải rác khắp thủ đô, ông Jean-Philippe Chauzy, phát ngôn viên của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thuộc Liên Hợp Quốc cho biết.
Ông Fritz Longchamp, chánh văn phòng Tổng thống Rene Preval, hi vọng các chuyến xe buýt sẽ bắt đầu đưa những người sống sót tới các khu tạm cư đầu tiên vào cuối tháng này. Tuy nhiên, các tổ chức cứu trợ tỏ ra nghi ngờ về lịch trình này.
“Không thể xây dựng các khu tạm cư trong đêm. Có những hạng mục phải được các chuyên gia thiết kế. Ngoài ra, còn các vấn đề như san phẳng đất đai, mua và chuyển giao lều cũng như các vấn đề về nước sạch và hệ thống vệ sinh”, Vincent Houver, người đứng đầu Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Haiti nói.
Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) ngày 22/1 ước tính, khoảng 200.000 người Haiti đã rời bỏ thủ đô Port-au-Prince và dự kiến sẽ còn nhiều người khác cũng ra đi. Theo USAID, ít nhất 100.000 người đã tới Gonaives, một thành phố khoảng 280.000 dân vốn đang phục hồi sau các trận bão liên tiếp hồi năm 2008.
Chính phủ Haiti ước tính, trận động đất hôm 12/1 đã cướp đi sinh mạng của 200.000 người. Khoảng 250.000 đã bị thương và khoảng 2 triệu người bị mất nhà cửa tại quốc gia 9 triệu dân.
Thảm họa động đất tại Haiti đã tạo nên một chiến dịch trợ giúp khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử 91 năm của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế Red Cross. Các quốc gia trên khắp thế giới đã trợ giúp những gì có thể: 500 triệu USD từ các quốc gia châu Âu, những nước rất nghèo chư Chad và Congo cũng hỗ trợ tiền mặt và một tấn trà từ Sri Lanka.
Quân đội, Lực lượng bảo vệ bờ biển và Hải quân Mỹ đang cố gắng xây dựng lại cảng công nghiệp duy nhất ở thủ đô Port-au-Prince - cảng đóng vai trò quan trọng nhằm đẩy nhanh việc vận chuyển những chuyến hàng viện trợ tới cho các nạn nhân động đất cũng như việc tái thiết lâu dài của Haiti. Cho tới nay, mới chỉ 4 tàu chở hàng cứu trợ có thể cập cảng.