Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Haiti phải đối mặt với một "thế hệ khuyết tật"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các bác sĩ cảnh báo Haiti đang phải đối mặt với một "thế hệ khuyết tật" sau khi hàng nghìn người mất chân, tay trong trận động đất làm rung chuyển đảo quốc này cách đây 2 tuần.

KTĐT - Các bác sĩ cảnh báo Haiti đang phải đối mặt với một "thế hệ khuyết tật" sau khi hàng nghìn người mất chân, tay trong trận động đất làm rung chuyển đảo quốc này cách đây 2 tuần.

Một trung tâm tại Haiti chuyên sản xuất chân, tay giả đã bị hư hại trong khi nhu cầu về các bộ phân giả đang rất cấp bách.

Tại bệnh viện Port-au-Prince, các bác sĩ đã phải thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật để cắt bỏ chân, tay, bàn chân, bàn tay cho các nạn nhân của trận động đất. Họ cho biết rất nhiều các bệnh nhân bị thương nặng và bị nhiễm trùng hoại tử đang được chuyển tới bệnh viện từ các khu vực miền quê xa xôi.

Beatrix Moran, một bác sĩ người Mỹ gốc Haiti từ New York, nói: “Chúng tôi cố gắng làm những điều tốt nhất cho bệnh nhân nhưng chúng tôi không có đủ phương tiện chúng tôi cần”.

Bác sĩ Moran đang chăm sóc cho bệnh nhân Marie Guerdy, 40 tuổi, bà mẹ của 2 con, người đang bán bánh mì trên phố thì một ngôi nhà đổ sập vào cô, khiến một bên chân bị thương nặng. Chân trái của Guerdy sau đó đã bị cắt đến trên gối.

Trước kia, Guerdy thường kiếm 50 Gourde Haiti mỗi ngày, tương đương 1,25USD. Nhưng Guerdy sẽ không thể làm việc để nuôi 2 con Dassy và Jean Charles được nữa.

Cô Guerdy vừa nói, vừa khóc: “Với tôi cuộc đời thế là hết. Tôi không còn cơ hội để nuôi 2 con. Tôi không biết phải làm gì. Ơn trời là tôi gặp nạn chứ không phải các con nhưng tôi không làm thế nào để có được thực phẩm cho chúng”.

Bệnh viện Port-au-Prince đang thiếu y tá trầm trọng sau khi một góc tòa nhà đổ sập trong trận động đất hôm 12/11, chôn vùi 150 sinh viên điều dưỡng đang học năm thứ 2 và thứ 3.

Bác sĩ Bruce Mintz, từ bang New Jersey (Mỹ), cho biết cá nhân ông đã điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân bị khuyết tật tại bệnh viện.

Ông nói: “Các bệnh nhân nhập viện mỗi ngày, ngày một nhiều. Chúng tôi có một số bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất thế giới nhưng chúng tôi không có đủ số y tá chúng tôi cần. Các y tá đã làm việc quá sức”.

Bác sĩ phẫu thuật khoa nhi người Thụy Sĩ Beat Kehrer cho hay tình hình còn tồi tệ hơn một cuộc chiến tranh.

“Trong một thảm họa giống như thế này, nhiều người khỏe mạnh trở thành bệnh nhân chỉ trong chốc lát. Còn trong chiến tranh, chuyện đó diễn ra từ từ. Chúng tôi không thể chữa trị cho khoảng 200.000 bệnh nhân cùng lúc.

Chúng tôi có hàng nghìn bệnh nhân bị khuyết tật và chúng tôi phải tiến hành nhiều ca cắt bỏ chân, tay, trong đó có cả các bệnh nhân là trẻ em”, bác sĩ Kehrer nói.

Bên ngoài bệnh viện bị hư hại, 200 bệnh nhân đang nằm trên những chiếc giường đặt dưới các tán cây.

Trên tàu bệnh viện Comfort gồm 1.000 giường của Hải quân Mỹ neo ở ngoài khơi thủ đô Port-au-Prince, các phòng mổ hoạt động 24/24.
 
Tư lệnh Mark Marino, trưởng nhóm điều dưỡng, cho hay đội ngũ bác sĩ trên tàu - từng phục vụ trong các cuộc chiến tranh - ví tình hình này giống một cuộc chiến vì số lượng bệnh nhân quá lớn.