Hạn chế sự cố cây xanh trong mùa mưa bão

Bài, ảnh: Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm này, công tác rà soát, cắt tỉa cây xanh ứng phó với mùa mưa bão đã được đơn vị chức năng trên địa bàn Hà Nội thực hiện một cách nghiêm túc.

Cắt tỉa hơn 38.000 cây xanh
Ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để ứng phó với mùa mưa bão, hạn chế thấp nhất rủi ro do cây xanh gây ra, ngay từ đầu năm, Sở Xây dựng đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn. Đồng thời, rà soát hệ thống cây bóng mát, triển khai cắt tỉa ngay những cây có nguy cơ gãy đổ.
Đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện quản lý, duy trì cây bóng mát. Đến nay, các lực lượng chức năng đã cắt tỉa được hơn 38.000 cây xanh.
Cụ thể, tại địa bàn 12 quận nội thành và các trục đường lớn cửa ngõ TP Hà Nội, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã thực hiện cắt tỉa 18.925 cây ở 184 tuyến phố, 2 vườn hoa.
Tại địa bàn 17 huyện và thị xã Sơn Tây, các đơn vị có liên quan đã thực hiện cắt tỉa 19.276 cây trên 68 tuyến phố.
Công ty cây xanh cắt tỉa cành trước mùa mưa bão.
Theo kế hoạch trong năm 2020, khối lượng cây xanh được cắt sửa trên địa bàn TP sẽ khoảng 40.000 - 50.000 cây các loại, với tiêu chí cắt sửa hạ độ cao, vén tán, cắt hết cành khô, cành sâu mục, cành xòa vào nhà dân để bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy, đổ.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện tại, sau khi đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng thêm 1 triệu cây xanh, TP tập trung phát triển hệ thống cây xanh tầng thấp, cải tạo, chỉnh trang, bổ sung trang trí cây bụi, mảng, khóm…
Tính toán mua máy “siêu âm” cây
Đề cập đến việc thăm khám nhằm phát hiện các cây có hiện tượng tượng mục, rỗng bên trong, ông Nguyễn Xuân Hanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, hiện tại, ngoài việc tuần tra, kiểm tra định kỳ, đơn vị đang tiếp tục thực hiện kiểm tra cây sâu, mục… dựa vào dấu hiệu vỏ cây, tình trạng cây để phát hiện các sự cố bên trong.
Cũng theo ông Hanh, trước đây, đơn vị đã được UBND TP cho đi học tập kinh nghiệm thăm khám cây xanh tại Singapore để tiếp cận loại máy “siêu âm” cây. Song, những loại máy này ở nước bạn thường dùng trong việc bảo tồn, duy tu cây cổ thụ. “Công ty đã mời chuyên gia từ Singapore sang Việt Nam thực hiện thử nghiệm để đánh giá hiệu quả.
Tuy nhiên, máy này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn và kinh phí khá cao. Do vậy, công ty đang tìm thêm nhà cung cấp để có chủng loại máy dễ sử dụng và hiệu quả hơn” - ông Hanh cho biết.
Liên quan đến công tác ứng phó trong mùa mưa bão, ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho biết thêm, đơn vị đã lập phương án ứng phó với một số tình huống thiên tai úng ngập nội thành, khắc phục sự cố cây gãy, đổ; cung cấp nước sạch mùa mưa bão trên địa bàn TP.
Theo đó, khi nhận được thông tin, cán bộ trực của Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và các công ty được giao nhiệm vụ quản lý, duy tu, duy trì cây xanh huy động 100% quân số, thực hiện giải tỏa 24/24 giờ; ưu tiên xử lý các cây đổ nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, gây cản trở giao thông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần