Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn mức bảo hiểm tiền gửi: Ít nhất phải gấp 5 lần GDP/người

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước đề xuất nâng mức trả tiền bảo hiểm lên tối đa 75 triệu đồng thay vì mức 50 triệu đồng áp dụng từ năm 2005 đến nay. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG).

75 triệu đã hợp lý?
BHTG là một công cụ được triển khai ở nhiều nước nhằm bảo vệ người gửi tiền vào ngân hàng, một phần hay toàn bộ, trước những thiệt hại do ngân hàng không có khả năng hoàn trả khoản tiền gửi của khách khi đến hạn. Hệ thống BHTG là một bộ phận cấu thành của cơ chế bảo vệ hệ thống tài chính nhằm đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tài chính đó. Đây dự kiến sẽ là lần thứ hai mức tiền bảo hiểm được nâng lên. Từ năm 2005, theo khoản 3 Điều 1 Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005, số tiền bảo hiểm tối đa được áp dụng là 50 triệu đồng, trong khi trước đó số tiền này là 30 triệu đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng hạn mức chi trả BHTG 50 triệu đồng tại Việt Nam hiện nay đã quá lạc hậu và cần gấp rút điều chỉnh. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14, thí điểm cho phá sản ngân hàng đã được các đại biểu nhắc đến phần nào phản ảnh sự thay đổi tư duy quyết liệt của Chính phủ về tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên, mức điều chỉnh lên 75 triệu đồng đã hợp lý hay chưa là câu hỏi còn bỏ ngỏ cần lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
“Hạn mức BHTG: Ít nhất phải gấp 5 GDP đầu người”- đây là kiến nghị của nhiều chuyên gia. Theo nhận định của TS Trần Du Lịch, giữ an toàn hệ thống ngân hàng mới là sự đảm bảo cao nhất. Với tình hình lạm phát hiện nay, số tiền cá nhân đang gửi tiết kiệm là khá cao. “Việc Chính phủ quyết định nâng hạn mức chi trả bảo hiểm là một điều đáng mừng, tuy nhiên từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mà khi gặp rủi ro, mất khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng chỉ được chi trả tối đa 75 triệu đồng thì quá ít so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay”, ông Lịch đánh giá.
“Tôi cho rằng 75 triệu vẫn quá thấp, phải nâng hạn mức chi trả lên mức 4 - 5 lần GDP bình quân. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng liên tục qua nhiều năm và ước đạt khoảng 50 triệu đồng trong năm 2016, khoảng hơn 2.000 USD, theo đó, con số chi trả hợp lý phải từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. GDP tăng rất nhanh trong khi bảo hiểm tăng không tăng là không hợp lý”, TS Nguyễn Trí Hiếu đồng quan điểm.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, con số chi trả nên gấp đôi mức đề xuất. Ông dẫn kinh nghiệm của thế giới là làm sao linh hoạt của BHTG cùng với hệ thống công cụ của ngân hàng Trung ương để tạo được niềm tin cho người gửi tiền và trong những năm gần đây một số nước nâng rất cao mức bảo hiểm. Cụ thể, Mỹ tăng lên 5 lần, từ 50.000 USD lên 250.000 USD, có nước tăng một lúc hàng chục lần, như Indonesia. Bởi, theo ông, khi nâng mức BHTG lên tiếp cận với số tiền được gửi sẽ có ý nghĩa tạo niềm tin ở người gửi tiền. Theo ông nên nhân lên thành 150 triệu đồng, 200 triệu đồng, sẽ tăng niềm tin cho những người gửi tiền.
Tăng quy mô quỹ BHTG bằng chính sách phí
Tăng hạn mức chi trả BHTG là nhu cầu bức thiết, nhưng nó cũng làm tăng rủi ro vỡ quỹ BHTG khi có ngân hàng phá sản thực sự. BHTG Việt Nam đang theo dõi 3 triệu tỷ đồng tiền gửi của người dân tại 92 ngân hàng, ngân hàng Hợp tác xã, gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và 3 tổ chức tài chính vĩ mô. Tổng nguồn vốn của BHTG hiện đạt trên 30.600 tỷ đồng Số tiền này không lớn nếu so với quy mô huy động vốn của các ngân hàng. Do đó, việc tăng cường “sức khoẻ” của các quỹ này cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng.
Nguồn thu của quỹ BHTG chủ yếu đến từ phí thu bảo hiểm hàng năm và một phần từ các khoản lãi do đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi (mua trái phiếu chính phủ, tín phiếu NHNN). Quy mô hạn chế của quỹ BHTG là do thời gian hoạt động chưa lâu và do cách tính phí BHTG đồng hạng (0,15%/năm trên số dư bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm).
Quy mô nguồn vốn quỹ hiện tại của BHTGVN không đảm bảo đáp ứng xử lý 2 ngân hàng quy mô trung bình đổ vỡ. Hệ thống phí đồng hạng không còn phù hợp trong bối cảnh hệ thống ngân hàng mở cửa, hội nhập, phát triển nhanh đi kèm theo đó là rủi ro tăng cao.
Hiện nay, trên thế giới có 2 phương thức thu phí chủ yếu: đồng hạng và theo mức độ rủi ro. Với cách tính phí đồng hạng, số tiền phí phải nộp được tính theo một tỷ lệ phí đồng nhất áp dụng cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG. Cách tính phí theo mức độ rủi ro với các tỷ lệ phí khác nhau, có phân biệt áp dụng cho từng nhóm tổ chức tham gia BHTG theo nguyên tắc tổ chức có rủi ro cao hơn phải nộp phí cao hơn và ngược lại.
Luật BHTG không quy định một mức phí hay một khung phí cứng mà trao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí BHTG theo đề nghị của NHNN. Căn cứ vào khung phí BHTG, NHNN quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này. Như vậy, giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cần phải thay đổi việc đóng phí bảo hiểm của các ngân hàng. Theo đó, các nhà băng sẽ đóng phí bảo hiểm tuỳ vào mức độ rủi ro của mình. “Tôi cho rằng ngân hàng nào tốt thì đóng thấp, ngân hàng nào yếu thì đóng nhiều chứ giờ vẫn cào bằng cả, anh nào cũng đóng giống nhau là không hợp lý”, TS. Hiếu nói.
Một vấn đề nữa, theo ông Hiếu, là công tác thanh tra giám sát ngân hàng phải được thay đổi, để từ đó có một chuẩn mực xếp hạng nhà băng và dựa vào đó sẽ đề xuất mức phí khác nhau.
Còn theo TS Lực, về lâu về dài, để quỹ BHTG hoạt động hiệu quả và có một mức chi trả phù hợp hơn thì nên có sự tham gia của cả Nhà nước, tức là quỹ BHTG sẽ nhận được một phần phí đóng góp của các TCTC và một phần tiền từ Nhà nước.