KTĐT - Việc lặn dưới nước, với mối nguy hiểm hàng ngày và tầm quan trọng của làm việc theo nhóm đã hun đúc những người phụ nữ thành một nhóm cố kết, họ thường tập hợp bên lửa trại sau ngày đánh bắt để đưa ra những quyết định về chính trị của làng.
Biển cồn lên khi Kim Jae Yeon ngồi trên bờ đá, nhìn những con sóng dưới chân. Thật chậm, cô lau kính lặn bằng một nắm cỏ để giữ chúng khỏi mờ dưới nước và cầu nguyện trước các con sóng đang vỗ cho vận may của mình.
Giống như 6 thế hệ phụ nữ trước, sống trên mảnh đất trơ trụi cây ở phía nam Hàn Quốc, người mẹ trẻ có hai con này đang chuẩn bị cho một công việc nguy hiểm mà không một người đàn ông nào ở đây được phép thực hiện: lặn xuống đáy biển để bắt bào ngư và các động vật có vỏ khác.
Kim đang học để gia nhập vào hàng ngũ các haenyeo, hay phụ nữ của biển khơi, những người đóng vai trò săn bắt hái lượm trên đại dương. Công việc này từ lâu đã đưa họ lên một vị trí đặc biệt trong nền văn hoá Hàn Quốc vốn có truyền thống “nam trị”. Những người phụ nữ trên nằm trong một nhóm sống ở các hòn đảo phía nam đất liền của Hàn Quốc.
Trong nhiều thập kỷ, những thợ lặn nơi đây đã chuẩn bị cho con gái mình cuộc sống biển khơi. Họ dạy chúng cách giữ gìn ôxy để kéo dài thời gian lặn và nhấn mạnh tầm quan trọng của làm việc theo nhóm, giống như một đàn hải cẩu thận trọng, cảnh giác chống lại các cuộc tấn công của cá mập, dòng chảy xa bờ và xuồng máy kêu ầm ào trên mặt biển.
Việc lặn dưới nước, với mối nguy hiểm hàng ngày và tầm quan trọng của làm việc theo nhóm đã hun đúc những người phụ nữ thành một nhóm cố kết, họ thường tập hợp bên lửa trại sau ngày đánh bắt để đưa ra những quyết định về chính trị của làng.
Nhưng cách sống mẫu hệ này hiện nay đầy nguy hiểm. Các tàu thuyền đánh cá hiện đại xâm phạm khu vực đánh bắt của họ đã làm giảm số lượng động vật có vỏ, buộc các haenyeo phải ra biển xa hơn, khiến họ có ít thời gian để lặn.
Sản lượng đánh bắt được giảm xuống, đòi hỏi những người phụ nữ phải thêm nỗ lực để sinh tồn. Ngày nay họ chỉ kiếm được vừa đủ để nuôi gia đình mình với một chút để bán cho các khách du lịch. Động vật có vỏ vốn trước kia từng được đưa tới các cảng, chẳng hạn như ở Nhật Bản thì hiện nay chỉ tiêu thụ trong nước. Và do bị thu hút bởi các công việc hấp dẫn trên đất liền cho nên còn ít cô gái đi lặn.
Số lượng các haenyeo đã giảm mạnh 2/3 chỉ trong một vài thập kỉ qua, từ 15 nghìn người trong những thập niên 70 của thế kỉ trước xuống còn 5 nghìn người hiện nay. Tại đảo Mara có diện tích của một sân golf 18 lỗ với 80 cư dân, số lượng haenyeo đã giảm từ 15 xuống 7.
Ở tuổi 33, Kim là haenyeo trẻ nhất tại Hàn Quốc, đất nước có một nửa số thợ lặn tuổi trên 70 và 90% chí ít cũng từ 50 tuổi trở lên. Kim không lặn vì tiền. Cô kiếm sống bằng việc kinh doanh hàng ăn. Nhưng theo truyền thống của mẹ, dì và bà ngoại mình, cô dành hầu hết các buổi sáng để học nghề haenyeo cổ, bởi điều đó là sợi dây gắn kết với tổ tiên.
“Bây giờ hoặc không bao giờ”, cô nói. “Một ngày kia, những người lớn tuổi sẽ qua đời và biển cả chỉ còn một mình tôi. Tôi muốn học mọi thứ tôi có thể trong khi còn thời gian. Vì thế tôi có thể dạy cho những người phụ nữ khác mà có thể một ngày nào đó họ sẽ đến”.
Vào sáng nay, một cơn bão đang hình thành cách khaongr 1000 hải lý về phía nam và các dòng nước đã vỗ lên giận dữ. Chỉ với kinh nghiệm 4 năm trong nghề, Kim cũng biết biển nguy hiểm đến mức nào ngay cả khi không có thời tiết xấu.
Khi cô cố gắng để đội mũ lặn, dì của cô, Kim Choun Geum, 56 tuổi, xuất hiện. Người phụ nữ có tuổi kiên nhẫn giúp cô cháu gái, thì thầm những lời động viên. Sau đó, học viên và người hướng dẫn thả người vào dòng nước để cùng tham gia với những người khác.
Truyền thống haenyeo đã tồn tại hàng trăm năm trước, truyền từ đời mẹ đến đời con, được tôn vinh trong các bài hát và truyện cổ tích dân gian. Một số người cho biết, mỡ trên cơ thể người phụ nữ giúp họ chịu đựng tốt hơn trong nước lạnh. Số khác lại chỉ nói họ lặn tốt hơn đàn ông.
Ngay cả bây giờ, không có người đàn ông nào mơ ước xuống nước với những người thợ lặn. Kỹ năng này, họ biết, là công việc của người phụ nữ, vì thế họ đứng ngoài cuộc.
Tại các đảo bị cô lập này, người phụ nữ thường đóng vai trò là “cần câu cơm” trong khi người đàn ông ở nhà nuôi con. Tỷ lệ ly hôn ở đây cao hơn so với trên đất liền, một phần có là là do tinh thần tự khẳng định mình của người phụ nữ. Các haenyeo là người đưa ra lời cuối cùng về các quyết định quan trọng.
Giống như những nữ thợ lặn sớm nhất ở quốc gia láng giềng Nhật Bản, các haenyeo Hàn Quốc đã từng mặc áo bông dài mỏng manh không đủ để bảo vệ khỏi cái lạnh thấu xương. Làm việc theo nhóm, họ đẩy các lưới đánh bắt tạm thời gắn liền với bề mặt phao trong khi lặn hàng chục lần mỗi ngày, sử dụng các dụng cụ bằng sắt nhọn và cái liềm để cạy ra các vỏ từ những hòn đá ở độ sâu 20 mét hoặc sâu hơn.
Họ không nghĩ đến việc đánh bắt quá mức, thu hoạch chỉ đủ để chấp nhận được.
Mặc dù họ thận trọng, các tai nạn vẫn thường xuyên xảy ra. Mỗi năm một số thợ lặn đã bị thiệt mạng do bị cá mập tấn công hay bị chết đuối. Công việc cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài. Giống như nhiều haenyeo cao tuổi, bà ngoại của Kim, Byun Chun-ok, hiện 84 tuổi, gặp các vấn đề về tai và phổi. Các khớp của bà vẫn bị đau hàng năm trời sau khi đã rời sóng nước.
Dì của Kim, Kim Choun Geum, hoàn toàn ý thức được những nguy hiểm đối với nghề của mình. “Chỉ một sai lầm, đại dương sẽ giết chết bạn”, bà nói. “Nguyên tắc của chúng tôi là không bao giờ được tham lam”.
Mặc dù các quan chức Hàn Quốc cam kết giúp đỡ duy trì kế sinh nhai của các haenyeo, nhưng những người phụ nữ nói rằng họ cần hỗ trợ tài chính cho việc chăm sóc con cái và kiểm tra y tế.
Kim Jae Yon trước kia không định trở thành một người phụ nữ của biển khơi.
Cô lớn lên ở Mara, tới học cao đẳng trên đảo Jeju, và sau đó gặp người chồng của cô, Park Hyung Il.
Cuối cùng, sau hàng loạt những vụ kinh doanh thất bại, hai vợ chồng trở lại Mara. Đối với Kim, khi ấy 29 tuổi, về nhà là sự thay đổi cuộc sống.
Một ngày nọ, trong khi lặn cùng người dì của mình, Kim mở mắt để chiêm ngưỡng vẻ quyến rũ của biển. Sau những căng thẳng của công việc văn phòng trên đảo Jeju, cô cảm thấy ngạc nhiên đến sững sờ thấy giá trị của tự do.
Cô bắt đầu với công việc dễ dàng nhất, thu rong biển trong vùng nước nông. Nhưng thậm chí cô đã bị kiệt sức. "Mỗi ngày trôi qua, tôi đều rất mệt mỏi và tôi muốn nôn mửa", cô nhớ lại. "Biển không phải là một nơi dễ kiếm sống. Tôi thật sự khâm phục những người lớn tuổi bởi các kỹ năng sinh tồn của họ."
Cô biết rằng bà ngoại của cô đã từng là thợ lặn tốt nhất đảo, người có thể lặn sâu nhất, ở trong nước lâu nhất và đánh bắt được nhiều nhất. Cô nghe những câu chuyện về cách mà những người phụ nữ thời bà ngoại cô không bao giờ than phiền về cái lạnh hoặc nguy hiểm, thay vào đó là nói đùa và hát những bài hát để giết thời gian.
Sau mỗi buổi đánh bắt hàng ngày, những người phụ nữ lại ngồi xung quanh lửa trại trên bãi biển và thảo luận về công việc buôn bán của làng hay khen ngợi về các kỹ năng đánh bắt của người khác, sự dũng cảm dưới làn nước hôm đó. Đó là một cuộc sống giản dị, độc lập mà Kim mong muốn.
Mặc dù Kim thu nhập chủ yếu từ hiệu ăn, nhưng cô đã nhiễm thói nghênh ngang của một haenyeo, mang tiền về nhà gấp đôi người chồng của mình vốn là một nhân viên bảo tồn biển trên đảo Jeju.
“Đôi khi điều đó làm tôi phát cáu”, Park - chồng Kim cho biết.
Do nghề của họ hết thời, những người phụ nữ của biển khơi đang quay trở lại vai trò truyền thống như phần đông phụ nữ. “Cuối cùng chúng tôi cũng từ bỏ quyền lực và trở nên giống như bất kỳ một phụ nữ Hàn Quốc khác”, Kim Choun-geum nói. “Đó là điều thật buồn”.
Nhưng cho đến khi còn có thể, Kim Jae Yeon, người haenyeo trẻ nhất Hàn Quốc vẫn dõi theo những người lớn tuổi để tiếp thu các bài học về độ sâu. Cô cảm thấy có lỗi vì biết nhiều người phớt lờ phổ biến kinh nghiệm biển khơi của họ cho cô.
Một ngày, Kim hi vọng mình sẽ trở thành người hướng dẫn cho một thế hệ haenyeo mới. Cô đang chờ ngày con gái 8 tuổi sẵn sàng ra biển khơi.
Cô cho biết “Tôi đã dạy cháu cách lặn. Việc trở thành một haenyeo hay không sẽ do cháu quyết định”.