Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hanel và tầm nhìn vươn ra toàn cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2014, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Cuba đạt xấp xỉ 205,4 triệu USD, nhưng đây được nhận định là một con số còn rất khiêm tốn.

Sau khi Mỹ tuyên bố hàng loạt biện pháp nhằm nới lỏng lệnh cấm vận suốt nửa thế kỷ qua với Cuba đã mở ra nhiều cơ hội trong hợp tác kinh tế giữa Cuba và các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Là một trong những DN đầu tiên tiến vào thị trường Cuba, bên cạnh các sản phẩm xuất khẩu như máy tính và linh kiện điện tử, Công ty TNHH Một thành viên Hanel (Công ty Hanel) cũng đang tận dụng lợi thế của mình để mở rộng đầu tư. Chủ tịch Hội đồng Thành viên - Tổng Giám đốc Hanel Nguyễn Quốc Bình chia sẻ: Mục tiêu của Hanel không chỉ là triển khai thành công các dự án hợp tác đầu tư tại thị trường Cuba mà còn từ đó tạo đà để từng bước thâm nhập thị trường Caribe và Trung Mỹ, hướng tới thị trường Bắc Mỹ trong dài hạn.
Lễ ký kết giữa Hanel và Cubanacan SA về hợp tác đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao tại Havana (Cuba).
Lễ ký kết giữa Hanel và Cubanacan SA về hợp tác đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao tại Havana (Cuba).
Là doanh nghiệp sớm đầu tư vào thị trường Cuba, Hanel tìm thấy tiềm năng gì ở thị trường này, đặc biệt từ sau khi Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ?

- Ngay từ năm 2001, Hanel đã là một trong những công ty Việt Nam đầu tiên đặt nền móng và dấu ấn về quan hệ thương mại đầu tư với Cuba. Giai đoạn trước, khi Chính phủ Mỹ thực hiện cấm vận đối với Cuba, Hanel đã đạt kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Cuba trị giá hàng chục triệu USD/ năm. Với việc Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ, lệnh cấm vận từng bước được dỡ bỏ, kinh tế Cuba chắc chắn sẽ có những bước phát triển nhảy vọt trong thời gian tới. Do vậy sẽ có cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh ở Cuba trong nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, du lịch, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, viễn thông, CNTT…

Hoạt động đầu tư của Hanel tại Cuba chủ yếu trong những lĩnh vực gì, kết quả bước đầu như thế nào? Chiến lược và mục tiêu mà Hanel hướng tới khi đầu tư vào thị trường Cuba trong thời gian tới?

- Hanel đã và sẽ tiếp tục tập trung phát triển hợp tác đầu tư dài hạn với Cuba trong các lĩnh vực mà Hanel có kinh nghiệm và tiềm lực phát triển, như: kinh doanh thương mại, khách sạn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cung cấp các giải pháp phần mềm, đào tạo nguồn nhân lực CNTT…

Gần đây nhất, vào cuối tháng 9/2015, tại La Habana, Công ty Hanel và Tập đoàn Cubanacan SA đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án Xây dựng và thương mại hóa tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị và khu căn hộ cho thuê tại La Habana, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Cộng hòa Cuba Ricardo Cabrisas, cùng nhiều quan chức cấp cao của hai chính phủ.

Với tổng diện tích khoảng 8.500m2, vị trí tọa lạc tại Quảng trường Cách mạng La Habana, Dự án tổ hợp khách sạn – trung tâm hội nghị mà Hanel và Cubanacan SA hợp tác đầu tư xây dựng là một trong số các dự án khách sạn có quy mô lớn hàng đầu hiện nay của Cuba. Tổng vốn đầu tư của dự án ước tính khoảng 125 triệu USD, giai đoạn 1 là 85 triệu USD.

Hanel có kiến nghị đề xuất gì để đầu tư mạnh hơn vào thị trường Cuba?

- Với việc Chính phủ Cuba ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới, với Danh mục cụ thể các lĩnh vực và dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Brazil, Mexico,... đặc biệt thời gian gần đây là các nhà đầu tư Mỹ. Để các DN Việt Nam như Hanel có thể cạnh tranh thành công, chúng tôi mong muốn Chính phủ hai nước – trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp và sâu sắc suốt 55 năm qua – sẽ tạo lập các cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho DN hai nước hợp tác trên mọi lĩnh vực có thể. Đồng thời, các tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam cũng cần tạo điều kiện thuận lợi giúp các DN Việt Nam đẩy mạnh trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư tại Cuba.

Xin cảm ơn ông!